|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo doanh nghiệp thép thi nhau thoái vốn trên vùng đỉnh: NKG, TLH, SMC, …

07:35 | 20/09/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá cổ phiếu thép quay lại lập đỉnh sau thời gian trầm lắng, nhiều lãnh đạo và người nhà đã đăng ký bán hàng triệu đơn vị NKG, SMC hay CBI, trị giá nhiều tỷ đồng.

Ngày 17/9 vừa qua, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu NKG trong thời gian từ 27/9 đến 25/10 để đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.

Dự kiến ông Vũ sẽ thu về gần 680 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này và không còn là cổ đông lớn tại Nam Kim do tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 10,45% còn 3,58%.

Ông Vũ cho biết giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên người mua thỏa thuận từ ông Vũ có thể đưa cổ phiếu lên sàn bán khớp lệnh sau đó.

Lãnh đạo doanh nghiệp thép thi nhau thoái vốn trên vùng đỉnh: NKG, TLH, SMC, … - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ. (Ảnh: Nam Kim).

Đầu tháng 8 vừa qua, một lãnh đạo khác của Nam Kim là nữ Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Liên đã bán 250.000 cổ phiếu NKG, ước tính thu khoảng hơn 7 tỷ đồng.

Kết phiên gần đây nhất 17/9, giá NKG lập đỉnh lịch sử 45.100 đồng/cp, tăng 260% so với đầu năm và hơn 30% chỉ riêng trong một tháng qua.

Kết quả kinh doanh khả quan là một trong những nhân tố hỗ trợ đà đi lên của cổ phiếu. Lãi sau thuế 6 tháng đầu 2021 cao gấp 20 lần cùng kỳ năm ngoái, doanh thu cao gấp gần 2,54 lần. Trong 8 tháng đầu năm nay, Nam Kim bán ra gần 585.000 tấn tôn mạ, cao hơn của cả năm ngoái.

Lãnh đạo doanh nghiệp thép thi nhau thoái vốn trên vùng đỉnh: NKG, TLH, SMC, … - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu NKG trong gần ba tháng qua. (Nguồn: TradingView).

Một cổ phiếu ngành thép khác cũng tăng sốc trong năm 2021 là TLH của Tập đoàn Thép Tiến Lên. Tính đến cuối tuần trước, giá TLH đạt 23.350 đồng/cp, cao chưa từng thấy từ trước đến nay và tăng 207% so với đầu năm.

Trong bối cảnh đó, bà Phạm Thị Thu Hà – mẹ của Thành viên HĐQT Nguyễn Vũ Hồng Anh – đã đăng ký bán toàn bộ gần 2,27 triệu cổ phiếu TLH trong thời gian từ 20/9 đến 19/10.

Dự kiến bà Thu Hà sẽ thu được khoảng 53 tỷ đồng. Bản thân ông Hồng Anh hiện nay đang nắm giữ gần 3 triệu cổ phiếu TLH, giá trị ước tính khoảng 70 tỷ đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp thép thi nhau thoái vốn trên vùng đỉnh: NKG, TLH, SMC, … - Ảnh 4.

Tại CTCP Đầu tư và Thương mại SMC (Mã: SMC) Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tiến đã hai lần thoái vốn trong thời gian gần đây. Lần đầu kết thúc vào ngày 6/8, ông Tiến bán 90.000 đơn vị. Lần thứ 2 kết thúc ngày 10/9 vừa qua, ông bán 120.000 đơn vị.

Tổng cộng hai lần, ông Nguyễn Văn Tiến đã thu khoảng hơn 10 tỷ đồng. Trong ba tháng gần đây, cổ phiếu thép này đã tăng gần 48%, hiện đang ở ngang bằng mức đỉnh cũ 53.800 đồng/cp.

Với CTCP Gang Thép Cao Bằng (Mã: CBI), từ ngày 18/8 đến 8/9 vừa qua, Ủy viên HĐQT Phạm Thành Đô đã bán sạch gần 1,55 triệu cổ phần CBI (tương đương 3,6% vốn), thu về ước tính 45 tỷ đồng.

Giống với TLH và NKG, giá cổ phiếu CBI những ngày đầu và giữa tháng 9 cũng ở trên vùng đỉnh lịch sử.

Tại Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), ông Lý Hoàng Long – con ruột của Ủy viên HĐQT Lý Văn Xuân - đã bán 30.000 cổ phiếu vào ngày 10/9. Sau giao dịch, ông Long còn khoảng 70.000 đơn vị HSG. Ủy viên HĐQT Lý Văn Xuân đang nắm giữ hơn 583.000 cổ phiếu.

Trước đó, vào ngày 11/8, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Trần Ngọc Chu đã bán 400.000 đơn vị HSG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,34% còn 0,26%, thu về ước tính 15 tỷ đồng.

Mới đây, Hoa Sen đã phát hành 4,4 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho 54 người là lãnh đạo, cán bộ quản trị và điều hành chủ chốt của tập đoàn. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với giá thị trường. Tổng số cổ phiếu HSG niêm yết sau phát hành là gần 493,5 triệu đơn vị.

Lãnh đạo doanh nghiệp thép thi nhau thoái vốn trên vùng đỉnh: NKG, TLH, SMC, … - Ảnh 5.

Biến động giá cổ phiếu từ cuối 2020 đến nay, HSG tăng mạnh hơn đáng kể so với HPG. (Nguồn: TradingView).

Tại doanh nghiệp đầu ngành là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), giao dịch nội bộ gần đây nhất được thực hiện vào ngày 18/8 khi ông Trần Vũ Minh – con trai của Chủ tịch Trần Đình Long – mua vào 5 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận.

Hơn ba tháng trước, vào ngày 15/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng – anh trai của Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Quang – đã bán thỏa thuận cho con 80.000 đơn vị HPG, một con số khá nhỏ so với gần 4,5 tỷ cổ phần Hòa Phát đang lưu hành.

Từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều lãnh đạo của Hòa Phát đã giao dịch lượng lớn cổ phiếu HPG nhưng đa phần đều là chuyển nhượng cho người thân hoặc người nội bộ khác.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Doãn Gia Cường bán thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu cho Chủ tịch Trần Đình Long. Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tuấn bán 12 triệu cổ phiếu cho hai người con. Phó Chủ tịch Trần Tuấn Dương bán 12 triệu cổ phiếu cùng lúc ba người con mua vào 12 triệu đơn vị.

Hiện nay, cổ phiếu HPG vẫn chưa quay lại đỉnh giá hồi đầu tháng 6.

Song Ngọc