|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường lại FOMO khi cổ phiếu thép nổi sóng, tự doanh công ty chứng khoán đang trực ngày 'về bờ'

17:40 | 09/03/2023
Chia sẻ
Từ đáy giữa tháng 11/2022, nhiều cổ phiếu nhóm thép đã có mức phục hồi 75 - 130% giá trị, đặc biệt trong phiên 7/3 vừa qua, bộ ba HPG, HSG và NKG lọt top những mã có tổng khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE. Vậy triển vọng đầu tư cổ phiếu thép năm nay thế nào?

Nhóm cổ phiếu thép hút tiền

Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu thép tăng giá mạnh với thanh khoản cao trước thông tin tích cực về thị trường thép thế giới, giá than. Vẫn động của nhóm này thu hút sự chú ý của thị trường, đặc biệt những nhà đầu tư cá nhân.

Đơn cử, trong phiên 7/3, nhóm cổ phiếu thép khá mạnh. Trong đó có bộ ba HPG, HSG và NKG lọt top các cổ phiếu có tổng khối lượng khớp lệnh cũng như giá trị giao dịch lớn nhất sàn HOSE. Xét riêng về khối lượng giao dịch, các mã này đều khớp lệnh trên 24 triệu đơn vị, cụ thể HPG 29,32 triệu đơn vị; HSG 24,68 triệu đơn vị; và NKG 24,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, lượng tiền đổ vào bộ ba trên còn vượt xa so với mức bình quân 20 phiên (một tháng) của chính các cổ phiếu này. Và so với đáy giữa tháng 11/2022, HPG đã tăng hơn 76%, trong khi HSG và NKG đều tăng bằng lần, lần lượt 124% và 129%.

Cổ phiếu NKG đã tăng 129% giá trị từ đáy giữa tháng 11/2022. (Nguồn: VNDirect).

Tự doanh công ty chứng khoán chờ ngày "về bờ"

Đà tăng giá của cổ phiếu thép gần đây khiến giới đầu tư kỳ vọng sóng cổ phiếu này tái diễn như hai năm trước đó. Sau khi tăng mạnh vào năm 2020 - 2022, nhóm cổ phiếu thép điều chỉnh giảm sâu khiến không ít cá nhân tổ chức thua lỗ.

Theo quan sát của người viết, các công ty chứng khoán báo lỗ tự doanh hàng trăm tỷ đồng khi kết thúc năm 2022. Tuy nhiên, việc nhóm cổ phiếu thép "nổi sóng" trở lại trong thời gian vừa qua đã giúp thu hẹp khoản lỗ cổ phiếu thép của các công ty này.

Danh mục tự doanh chứng khoán Rồng Việt thời điểm cuối năm 2022. Nguồn: BCTC VDSC

Trong đó có thể kể tới CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thời điểm cuối năm 2022, VDSC báo lỗ khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG 16,71 tỷ đồng và HSG 24,36 tỷ đồng.

Tính toán theo giá trị hợp lý thời điểm cuối năm 2022 của khoản đầu tư cổ phiếu HPG và giá kết phiên 30/12/2022 là 18.000 đồng/cp, VDSC đã mua 1.075.000 cổ phiếu Hoà Phát với mức giá khoảng 33.550 đồng/cp. Giá HPG hiện là 21.200 đồng/cp (kết phiên 9/3), như vậy hiện Chứng khoán Rồng Việt còn lỗ khoảng 14 tỷ đồng với cổ phiếu HPG.

Tương tự, công ty chứng khoán này đã mua vào gần 2.577.000 cổ phiếu HSG với mức giá khoảng 21.000 đồng/cp. Hiện giá cổ phiếu Hoa Sen là 16.250 đồng/cp, như vậy chứng khoán Rồng Việt còn lỗ khoảng 12 tỷ đồng. Đó là kịch bản đưa ra nếu như Chứng khoán Rồng Việt vẫn đang nắm giữ tới thời điểm hiện tại.

Danh mục tự doanh thời điểm cuối năm 2022 của Chứng khoán Trí Việt. (Nguồn: TVB).

Một công ty khác báo lỗ HPG 92,78 tỷ đồng kết năm 2022 là CTCP Chứng khoán Trí Việt (mã: TVB). Tính toán công ty chứng khoán này đã mua hơn 4.361.000 cổ phiếu HPG với mức giá khoảng 39.300 đồng/cp. Với mức giá HPG hiện tại, mức lỗ giảm xuống còn hơn 78 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty thành viên của TVB là CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (T-Corp, mã: TVC) cũng phải trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu HPG 265,83 tỷ đồng vào cuối năm 2022. T-Corp nắm giữ gần 30 triệu đơn vị với giá mua khoảng 30.000 đồng/cp, hiện còn lỗ hơn 258,32 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2022, CTCP Chứng khoán Hải Phòng (Haseco) báo lỗ khoản đầu tư vào Hoà Phát 10,33 tỷ đồng. Công ty này nắm giữ 520.000 đơn vị với giá mua vào 37.900 đồng/cp, hiện khoản lỗ giảm xuống còn hơn 8,59 tỷ đồng.

 Danh mục đầu tư của Chứng khoán Hải Phòng. Nguồn: HAC.

Không riêng các công ty chứng khoán, "cổ phiếu quốc dân" HPG còn nằm trong danh mục đầu tư của nhiều tổ chức, ngay cả các công ty niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, số phận chung đại đa số các tổ chức đều đang lỗ với HPG, chờ ngày hòa vốn khi nắm giữ cổ phiếu này. Trước những diễn biến như hiện nay, nhà đầu tư đặt dấu hỏi về triển vọng đầu tư cổ phiếu thép trong năm nay như thế nào?

Triển vọng ngành thép năm 2023

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép, Chứng khoán SSI cho rằng nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm. Do đó, nhóm phân tích SSI cho rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ nhu cầu tăng lên ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ở một góc nhìn khác, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép sẽ có sự phục hồi nhờ tháo gỡ chính sách về bất động sản, tuy nhiên tốc độ phục hồi sản lượng thép sẽ chậm. 

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép sẽ cải thiện trong quý I nhờ hàng tồn kho giá cao phần lớn đã được thanh lý hết vào trong nửa cuối năm 2022. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản suất đã duy trì ở mức thấp từ tháng 7/2022, giúp giảm giá vốn hàng tồn kho trong thời gian tới. Do vậy, BSC cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép sẽ cải thiện trong quý I.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệu Nhi