|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index được dự báo lên mốc bao nhiêu sau khi vượt 1.200 điểm?

13:01 | 02/04/2021
Chia sẻ
Với nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng về giá và thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc và hướng đến các mốc cao mới sau khi phá đỉnh lịch sử. Trong kịch bản tốt nhất, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo VN-Index có thể đạt đỉnh tại 1.705 điểm.

Trong phiên giao dịch hôm qua (1/4), VN-Index xác lập mốc đỉnh lịch sử mới tại 1.216,1 điểm sau khi bứt phá thành công qua vùng đỉnh cũ quanh 1.200 điểm.

Độ rộng thị trường tích cực với sự lan tỏa của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm ngân hàng (VCB, BID, CTG, VPB, MBB) và bất động sản (VIC, VHM, VRE). Thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 15.281 tỷ đồng. 

Trước đó, mốc kháng cự "thần thánh" 1.200 điểm gây trở lại lớn đến thị trường. Theo ghi nhận, có hai phiên giao dịch 18/3 và 22/3, VN-Index leo lên trên mốc 1.200 điểm. Nhưng lực bán mạnh khiến chỉ số giảm sâu ngay sau đó.

Ngày 9/4/2018, VN-Index từng vượt mốc 1.200 điểm, đóng cửa tại 1.204,33 điểm. Trong phiên giao dịch hôm đó, chỉ số lên mức cao nhất 1.207,45 điểm. Phiên 10/4/2018, VN-Index tăng lên mốc đỉnh 1.211,34 điểm, nhưng lực bán mạnh khiến chỉ số đảo chiều giảm, đóng cửa ở 1.198,12 điểm.

Việc "phá đỉnh" thành công đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan, hưng phấn hơn sau giai đoạn lình xình vừa qua, đồng thời kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc và hướng đến những mốc cao mới. 

Trước đó, thời điểm đầu năm nay, các công ty chứng khoán đồng loạt dự báo VN-Index sớm vượt mốc 1.200 điểm và tiến lên các mục tiêu xa hơn.

VN-Index sẽ tăng tới đâu?

Cụ thể, bằng việc sử dụng ba phương pháp P/E, phương pháp cổ phiếu trọng số lớn, phương pháp phân tích kỹ thuật, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo VN-Index sẽ vận động trong vùng giá từ 886,3 điểm đến 1.348,1 điểm với vùng giá trọng tâm tại 1.261 điểm vào cuối năm 2021.

Công ty chứng khoán 'dò đỉnh' VN-Index năm 2021 - Ảnh 1.

Nguồn: Chứng khoán BIDV.

Về triển vọng thị trường chứng khoán 2021, BSC cho rằng thị trường Việt Nam đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng về giá và thanh khoản. Một số yếu tố có thể kể đến như: (1) Kinh tế vĩ mô ổn định và lấy lại đà tăng trưởng sau kiểm soát dịch bệnh, từ đó thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện mạnh nhờ phục hồi sản xuất, tiêu dùng trong nước và quốc tế, mặt bằng lãi suất thấp;

(2) Các quốc gia tại thị trường nước ngoài duy trì lãi suất thấp và các gói hỗ trợ kinh tế; (3) Thị trường đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn nhà đầu tư trong nước, và liên tiếp tạo ra kỷ lục về thanh khoản và (4) Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực trong năm 2021, là văn bản pháp lý cao nhất kiện toàn các thành phần điều hành thị trường, cơ sở cho ra đời các sản phẩm mới hỗ trợ nhà đầu tư và qua đó có thể nâng hạng thị trường.

Tương tự, trong báo cáo chiến lược năm, Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cũng đưa ra ba kịch bản cho VN-Index năm 2021.

"Chúng tôi kỳ vọng thị trường ở kịch bản cơ sở, tức vùng đỉnh được xác lập tại 1.364 điểm. Tuy nhiên, thị trường đang nhận được sự hỗ trợ từ dòng tiền của các nhà đầu tư mới cho nên P/E có thể sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử là 22,5x, theo đó VN-Index có thể đạt mức cao nhất trong năm 2021 là 1.705 điểm", Chứng khoán Yuanta cho hay.

Công ty chứng khoán 'dò đỉnh' VN-Index năm 2021 - Ảnh 2.

Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Với nhận định VN-Index hiện có định giá chưa quá cao và EPS có khả năng phục hồi mạnh mẽ, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng VN-Index sẽ đạt mốc 1.250 điểm vào cuối năm 2021, tức tăng 13% so mức cuối năm 2020 là 1.104 điểm.

Trong đó, các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm của chỉ số gồm: (1) Lợi nhuận vượt mức dự báo và thấp hơn mức dự báo chung của VCSC; (2) P/E tăng mạnh; (3) Các chính sách hỗ trợ tích cực, ví dụ như cải cách thị trường dẫn đến việc tăng tốc quá trình nâng hạng lên trạng thái thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, Chứng khoán Bản Việt cũng lưu ý về khả năng nền kinh tế phục hồi thấp hơn dự kiến sẽ trì hoãn sự phục hồi thu nhập của hộ gia đình, niềm tin của người tiêu dùng và chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Cùng quan điểm với VCSC, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng định giá của thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn khi so với các nước trong khu vực Châu Á (trung bình ở mức 26,2x).

Trong năm 2021, theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường có hiệu suất sinh lợi tốt nhất, với dự phóng ROE tăng lên mức 15,7%, tức mức cao nhất kể từ 2014. EPS của thị trường cũng được ước tính tăng trưởng hai chữ số.

Dựa vào kỳ vọng một phần bù P/E tốt hơn so với các thị trường khác, bên cạnh một mức P/E cao so với lịch sử sẽ được chấp nhận trong thời kỳ lãi suất thấp, mức định giá của thị trường được ước tính nằm trong khoảng 17 - 20x. Dựa vào tăng trưởng dự phóng EPS của Top 50 cho năm 2021, VDSC cho rằng dao động của VN-Index trong năm 2021 là 1.029 - 1.271 điểm.

Công ty chứng khoán 'dò đỉnh' VN-Index năm 2021 - Ảnh 4.

Thu Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.