VN-Index đảo chiều tăng gần 9 điểm nhờ lực kéo của nhóm vốn hóa lớn
Đóng cửa, VN-Index tăng 8,92 điểm (0,72%) lên 1.242,11 điểm, HNX-Index tăng 1,4 điểm (0,6%) đạt 236,66 điểm, UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,71%) đạt 95,18 điểm.
Thị trường chứng khoán ghi nhận hồi phục trong phiên chiều nay với sự trở lại dẫn dắt của nhóm bluechips. Các cổ phiếu vốn hóa lớn tác động tích cực nhất đến VN-Index hôm nay là MSN, FPT, BCM, CTG, PLX, MBB. Trong số này, MSN với mức tăng 4,2% lên 74.000 đồng/cp đã trở thành trụ đỡ chính của thị trường phiên hôm nay với mức đóng góp hơn 1,1 điểm.
Đứng thứ hai là FPT khi giúp VN-Index có thêm 1 điểm. Tại chiều giảm, LPB và VRE vẫn là hai lực cản tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
Thị trường hồi phục trên diện rộng với nỗ lực tăng điểm được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành, tuy nhiên trên bảng điện có rất ít mã tăng hơn 2%. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 598 mã tăng, 313 mã giảm và 245 mã giữ giá không đổi. Sàn HOSE ghi nhận 284 mã tăng, 129 mã giảm và 80 mã đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa với một số mã đóng cửa tăng hơn 1% như OCB, BVB, CTG, MBB, ABB, PGB, VAB, MSB, STB. Sắc xanh nhẹ hơn được chứng kiến ở KLB (+0,9%), EIB (+0,8%), BID (+0,5%), SHB (+0,5%), VIB (+0,5%), … Số ít mã dừng chân dưới ngưỡng tham chiếu như LPB (-3,3%), NVB (-1,1%), VBB (-1%), SGB (-0,8%), NAB (-0,3%), …
Tương tự nhóm cổ phiếu của công ty chứng khoán cũng ghi nhận hồi phục với CSI bật tăng 8,8% lên 26.000 đồng/cp, theo sau là HAC (+6%), BMS (+3,5%), SBS (+3,4%), DSC (+1,9%), MBS (+1,6%), APS (+1,4%), …
Điều còn thiếu trong phiên hôm nay là sự hỗ trợ của dòng tiền. Thanh khoản phiên hôm nay duy trì ở mức thấp với giao dịch toàn thị trường đạt gần 735 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 13.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE hôm nay đạt gần 11.854 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với phiên trước đó.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, mặc dù VN-Index gãy trend tuần nhưng đóng cửa vẫn trên ngưỡng 1.240 điểm. Điều này đúng như kỳ vọng của một số công ty chứng khoán khi chỉ số bảo toàn vùng sideway 1.240 – 1.300 điểm.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 3,83 điểm (0,31%) tăng 1.237,02 điểm, HNX-Index tăng 0,33 điểm (0,14%) đạt 235,59 điểm, UPCoM-Index đứng giá tham chiếu.
VN-Index mở cửa tăng hơn 2 điểm trong phiên sáng nay. Đà tăng được duy trì trong suốt phiên sáng tuy nhiên việc thiếu vắng dòng tiền dẫn dắt khiến chỉ số không thể nới rộng sắc xanh.
Dừng phiên sáng, VN-Index tăng gần 4 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 453 mã tăng, 323 mã giảm và 237 mã đứng giá tham chiếu. Trên HOSE, phe mua cũng chiếm ưu thế với 215 mã xanh, 160 mã đỏ và 88 mã giữ giá không đổi. Dù vậy, rất ít mã tăng – giảm trên 2%, phần lớn đều giao dịch quanh ngưỡng tham chiếu.
Rổ VN30 ghi nhận 20 mã tăng, 8 mã giảm và 2 mã giữ giá tham chiếu. Bên chiều tăng điểm, POW tăng mạnh nhất rổ với tỷ lệ 3,9% lên 13.400 đồng/cp, theo sau là BCM (+3,5%), MSN (+2,1%), SAB (+1,9%), PLX (+1,6%), CTG (+1,4%), BID (+0,9%), GVR (+0,9%), MBB (+0,8%), STB (+0,7%), TPB (+0,6%), …
Cổ phiếu ngành điện giao dịch khởi sắc với loạt mã tăng điểm trong phiên sáng nay, tiêu biểu là TV2 tăng 4,9% lên 34.500 đồng/cp POW (+3,9%), GEG (+2,3%), QTP (+1,3%), PC1 (+1,1%), HND (+0,7%), REE (+0,7%), …
Thanh khoản phiên sáng sụt giảm đáng kể so với các phiên trước, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 4.950 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị giao dịch trên HOSE đóng góp hơn 4.500 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với phiên trước và giảm tới 44% so với mức trung bình 1 tuần gần đây.
Tại thị trường quốc tế, trong phiên giao dịch ngày 25/7, chỉ số S&P 500 giảm 0,51% và đóng cửa ở mức 5.399 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng tụt 0,93% và chốt phiên với 17.182 điểm.
Ở chiều ngược lại, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 81 điểm, tương đương 0,2% lên 39.935 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này từng tăng tới 585 điểm, tương đương khoảng 1,5%.
Ngoài ra, chỉ số Russell cũng tăng 1,26% trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục chuyển dịch từ cổ phiếu công nghệ sang nhóm vốn hóa nhỏ.