|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index có thể hướng tới mốc 1.024 điểm nhờ nhóm ngân hàng, bất động sản?

06:15 | 17/03/2019
Chia sẻ
Tuần qua, việc thanh khoản thị trường tăng cao, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (ngân hàng, bất động sản) khiến mức độ ảnh hưởng của việc hai quỹ ETFs cơ cấu danh mục không còn tác động mạnh tới thị trường. VN-Index được dự báo tiếp tục đi lên trong vùng 1.000- 1.024 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần tăng điểm tốt với việc VN-Index và HNX-Index đều vượt các ngưỡng quan trọng 1.000 điểm và 110 điểm. Kết phiên 15/3, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 18,87 điểm (1,92%) so với cuối tuần trước, ghi nhận 1.004,12 điểm. HNX-Index tăng 2,2 điểm (2%) lên 110,44 điểm.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất tuần qua đến VN-Index là VCB, BID và VRE khi đóng góp lần lượt 3,62, 3,34 và 1,99 điểm tăng. Ngược lại, ảnh hưởng bất lợi nhất đến chỉ số là HPG, MSN và YEG khi lấy đi lần lượt 1,33, 1,17 và 0,5 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thanh khoản trong tuần giảm nhẹ nhưng vẫn trên mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 5.400 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. 

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 0,8% xuống 23.678 tỉ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 10,8% xuống 1.058 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 5,5% xuống 3.204 tỉ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,5% xuống 276 triệu cổ phiếu. 

Với việc thị trường tăng điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành chính đều có sự bứt phá. Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ trụ cột của nhóm là FPT (+3%).

Đứng thứ hai là nhóm cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất thị trường là ngân hàng với mức tăng 2,2%,  gồm các mã VCB (+5,1%), BID (+9,4%), CTG (+7,1%), VPB (+3,6%), MBB (+3%), ACB (+4,6%), SHB (+2,6%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 1,5% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng của các mã thuộc ngành con bất động sản như VIC (+0,5%), VHM (+2%), NVL (+4,2%)... và chứng khoán với đại diện là SSI (+3,7%), HCM (+6,2%)...

Ngày 15/3 là phiên cuối cùng để hai quỹ ngoại ETFs tái cơ cấu danh mục quý I/2019. Lần tái cơ cấu này không có cổ phiếu nào được thêm vào cũng như bị loại ra khỏi danh mục kì trước. Có lẽ đó là lý do khiến thị trường không có nhiều diễn biến bất ngờ cũng như không có nhiều trường hợp cổ phiếu tăng giảm mạnh bởi hoạt động tái cơ cấu danh mục.

VN-Index có thể hướng tới mốc 1.024 điểm nhờ nhóm ngân hàng, bất động sản? - Ảnh 1.

Nhóm penny bất ngờ giao dịch tích cực trở lại trong tuần qua, nổi bật là cổ phiếu LMH (Công ty Cổ phần Landmark Holding) đã tăng 25% nhờ hai phiên tăng kịch trần. Cùng diễn biến, cổ phiếu TTF (CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành) cũng bứt phá gần 21% hay JVC (CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật) tăng gần 18%. 

Ngược lại, YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1) giảm sàn trong toàn bộ phiên giao dịch của tuần, ghi nhận 10 phiên giảm sâu liên tiếp kể từ khi gặp sự cố thỏa thuận với Youtube và mất 51% giá trị. Tạm tính, vốn hóa thị trường của Yeah1 đã giảm hơn 3.856 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, mã MSN của CTCP Tập đoàn Masan chỉ giảm 0,3%, tuy nhiên, so với khối lượng đang lưu hành lên tới 1,16 tỉ cổ phiếu thì vốn hóa của Tập đoàn đã "bay hơi" hơn 3.838 tỉ đồng.

Mới đây, thông tin về việc Tập đoàn Masan tham gia xây dựng Tiêu chuẩn nước mắm Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Trước đó, Zing.vn đưa tin: Theo quyết định 46/QĐ-QLCL của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), Masan là 1 trong 14 thành phần của Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia "Sản phẩm thủy sản - nước mắm". Tuy nhiên, đại diện Masan cho biết hiện tại doanh nghiệp này không có bất cứ phát ngôn gì liên quan. Dự kiến vài ngày tới sẽ có thông tin chính thức.

Một trường hợp khác là HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) cũng giảm hơn 6% trong tuần qua. Phiên 15/3, HPG gần chạm sàn sau thông tin lên kế hoạch kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận giảm hơn 22%. Vốn hóa thị trường cũng mất khoảng 4.346 tỉ đồng.

Tuần qua, tổ chức KIM Vietnam Growth đã mua 9,5 triệu cổ phiếu GMD, trở thành cổ đông lớn của Gemadept khi sở hữu hơn 14,36 triệu cp, tương ứng tỉ lệ 4,84% vốn điều lệ. Ngoài ra, Vinamilk cũng muốn mua tối đa 46,68% cổ phần GTNFoods với giá 13.000 đồng/cp.

VN-Index có thể hướng tới mốc 1.024 điểm nhờ nhóm ngân hàng, bất động sản? - Ảnh 2.

Trên sàn HNX, L35 (CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama) tăng trần 6 phiên liên tiếp và kết tuần với mức tăng 56,5%. Ở chiều ngược lại, GDW (CTCP Cấp nước Gia Định) giảm 26,6%.

Ngày 13/2, CTCP Pin Hà Nội (Habaco) niêm yết 7,25 triệu cổ phiếu PHN trên HNX với giá tham chiếu 14.200 đồng/cp. Kết tuần, cổ phiếu tăng hơn 42%. Đây là doanh nghiệp sản xuất pin và ắc quy với sản phẩm tiêu biểu pin con thỏ chiếm tới 40% thị phần pin nội địa.

Trong tuần tới, BVSC dự báo thị trường tiếp tục có diễn biến theo chiều hướng tăng điểm nhưng sẽ đan xen các phiên điều chỉnh tích lũy. Đà đi lên của chỉ số trong vùng 1.000- 1.024 điểm có thể sẽ diễn ra với độ dốc thoải, kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. 

Sau kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, khối ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại mua ròng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực để hỗ trợ và giữ nhịp cho đà đi lên của thị trường. 

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bluechips chịu áp lực bán giảm tỉ trọng trong danh mục của các quỹ ETFs trong phiên 15/3 có thể sẽ hồi phục tăng điểm trở lại trong những phiên đầu tuần tới. Ngoài nhóm ngân hàng, dòng tiền dự kiến sẽ dịch chuyển sự quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu dầu khí và bất động sản.

Thị trường chứng khoán 15/3: Nhóm dầu khí phục hồi tích cực, VN-Index mất mốc 1.005 trong phiên ETFs cơ cấu danh mụcThị trường chứng khoán 15/3: Nhóm dầu khí phục hồi tích cực, VN-Index mất mốc 1.005 trong phiên ETFs cơ cấu danh mục Masan và Yeah1 mất 7.600 tỉ đồng sau hơn một tuần sóng gióMasan và Yeah1 mất 7.600 tỉ đồng sau hơn một tuần sóng gió Nhà đầu tư lãi bao nhiêu nếu chi 1.000 USD mua cổ phiếu Boeing cách đây 10 năm?Nhà đầu tư lãi bao nhiêu nếu chi 1.000 USD mua cổ phiếu Boeing cách đây 10 năm?

Nhật Huyền