VKS đề nghị giữ nguyên án 13 năm tù với ông Đinh La Thăng, giảm nhẹ án với 2 cựu lãnh đạo PVN còn lại
Tại phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm hôm nay (ngày 10/5), ở phần luận tội và nêu quan điểm, sau khi đọc xong bản luận tội hơn một tiếng, VKSND Cấp cao cho hay, trong những ngày thẩm vấn vừa qua, ông Thăng không có tình thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới, ông Thăng cũng chỉ thừa nhận trách nhiệm Chủ tịch HĐQT. Vì thế đề nghị HĐXX giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm - 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Đinh La Thăng. |
Hai cựu lãnh đạo PVN còn lại là Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh, VKS đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt vì xuất trình được các tình tiết giảm nhẹ, bản thân có thành tích trong công tác.
Với bị cáo Phùng Đình Thực, VKS cho biết, bị cáo Thực thừa nhận chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát thường xuyên nên xảy ra sự cố đáng tiếc, đề nghị HĐXX giảm nhẹ 1 phần hình phạt.
Về vấn đề liên quan tới 4 công văn, VKS yêu cầu luật sư bào chữa và bị cáo Thực tranh tụng với VKS, nếu nhận được thì khác, không nhận được thì khác, VKS sẽ kết luận có tội hay không có tội…
Ngoài bị cáo Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh, VKS cũng đề nghị giảm án cho 5 bị cáo khác là Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến do thành khẩn khai báo, thái độ ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả. Ngoài ra các bị cáo còn xuất trình được các tình tiết giảm nhẹ.
Với 7 bị cáo được đề nghị giảm nhẹ hình phạt trên, VKS đề nghị giảm nhẹ nhưng chưa đề nghị mức án cụ thể.
“Cái này chúng tôi sẽ xem xét trong quá trình tranh tụng. Có thể có bị cáo sẽ được giảm 1 năm, có bị cáo nhiều hơn”, đại diện VKS nói.
Với 7 bị cáo còn lại, VKSND Cấp cao đề nghị giữ nguyên y án như quyết định của phiên tòa sơ thẩm.
VKS cũng cho biết, không thấy có căn cứ xem xét, giảm nhẹ cho các bị cáo không kháng cáo.
Đối với kháng cáo của bị cáo Hòa, VKS cho biết sẽ xem xét khoản 554 triệu đồng bị cáo đã nộp trong phần tranh tụng.
Xét kháng cáo của các bị cáo Thăng, Thực, VKS cho biết, đối với kháng cáo của bị cáo Thăng, căn cứ các bút lục có trong hồ sơ, Đinh La Thăng là chủ tịch HĐQT. Đối với dự án Thái Bình 2, bị cáo Thăng là người chịu trách nhiệm toàn bộ: lựa chọn tổng thầu PVC sai quy định khi PVC không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm làm tổng thầu…
Lời khia của bị cáo Vũ Hồng Chương, theo biên bản lấy lời khai, bị cáo Chương xác định việc PVN lựa chọn tổng thầu PVC là trái quy định pháp luật vì PVC chưa có kinh nghiệm thực hiện gói thầu, việc chỉ định thầu PVC là trái quy định… Bị cáo Thăng biết không đủ năng lực nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới, yêu cầu PVC hoàn thiện hồ sơ đề xuất, đảm bảo khởi công dự án vào tháng 2, sau lùi sang tháng 3.
Theo VKS, bị cáo Thăng biết hợp đồng EPC 33 chưa đủ quy định của pháp luật. Bị cáo Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, ký tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng tiền sai mục đích, không đưa vào dự án Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước.
Đối với kháng cáo của bị cáo Thực. Với chức năng TGĐ PVN, theo điều lệ, quyết định phân công nhiệm vụ, bị cáo Thực là người điều hành quá trình sản xuất kinh doanh hàng ngày, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo VKS, bị cáo Thực biết rõ hợp đồng 33 chưa đủ căn cứ pháp luật, phải hủy bỏ nhưng bị cáo Thực sau đó vẫn ký quyết định ủy quền cho bị cáo Khánh ký chuyển chủ đầu tư từ PVPower sang PVN….
VKS kết luận: Ông Thực đã có hành vi sai phạm cùng ông Thăng chỉ đạo ký hợp đồng EPC trái qui định, gây thiệt hại cho nhà nước.
Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Minh, Thuận, Quý, Dũng… về tội cố ý làm trái, hành vi cố ý làm trái trong việc triển khai lựa chọn nhà thầu: Từ năm 2008 đến năm 2012, PVC đã thi công 67 công trình, Công ty mẹ - PVC trực tiếp thi công 20 công trình, trong đó 8 công trình có khả năng cân đối dòng tiền, 12 công trình có dòng tiền mất cân đối do chi phí phát sinh ngoài hợp đồng. Về đầu tư tài chính, vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.
Để tạo điều kiện cho PVC, ngày 22/01/2010, Đinh La Thăng ký Văn bản số 706/DKVN-HĐQT gửi Thủ tướng Chính phủ có nội dung: “Cho phép Tập đoàn Dầu khí tiếp tục được giao nhiệm vụ cho PVC và một số đơn vị có năng lực thuộc Bộ Xây dựng được thực hiện xây lắp các dự án do PVN/đơn vị thành viên làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu”.
Ngày 13/4/2010, Đinh La Thăng ký Văn bản số 3072/DKVN-HĐQT gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng quản trị PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.
Sau một hồi phân tích, nêu căn cứ, đại diện VKS khẳng định: “Việc chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên là làm trái Điều 41 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; Điều 16, Điều 17 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ quy định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Điều 9, Điều 10 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ quy định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng”.
Tiếp lời, đại diện VKS nói Hợp đồng EPC số 33 được lập, ký không đúng quy định của pháp luật. cụ thể như sau: Ngày 01/3/2011, PVN và PVPower tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ngay sau khi ký Hợp đồng EPC số 33, ngày 02/3/2011, theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc PVC đã ký Công văn số 676/XLDK-KHĐT gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD.
Do không có vốn nên cùng ngày 02/3/2011, ông Đỗ Chí Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVPower đã ký Công văn số 641/ĐLDK-TCKT&KT gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ Quý I/2011 cho PVPower để có tiền tạm ứng cho PVC.
Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, Đinh La Thăng chỉ đạo Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo Hợp đồng EPC số 33.
Ngày 25/3/2011, Nguyễn Quốc Khánh ký Văn bản số 15/CVNB-NQK đề xuất để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư. Ngày 29/3/2011, theo ủy quyền của Đinh La Thăng, ông Vũ Khánh Trường, Ủy viên Hội đồng thành viên PVN ký Nghị quyết 2602/NQ-DKVN về việc chuyển Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ PVPower là chủ đầu tư thành PVN là chủ đầu tư…
Theo VKS, mặc dù Ban Quản lý dự án không có đề xuất PVN tạm ứng cho PVC theo Công văn số 1871/XLDK-TCKT của PVC, nhưng do trước đó, đầu tháng 5/2011, Đinh La Thăng đã gặp Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh tại phòng làm việc chỉ đạo phải đẩy nhanh việc tạm ứng cho PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nên Nguyễn Xuân Sơn đã chỉ đạo Ninh Văn Quỳnh phải đề xuất, giải quyết theo hướng đáp ứng đề nghị của PVC.
Sau khi nhận được Công văn trên, Phùng Đình Thực cũng có bút phê: “Phó Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, Ban Tài chính kế toán, Ban Điện xem xét giải quyết phù hợp với hợp đồng đã ký”, Nguyễn Xuân Sơn có bút phê: “Ban Tài chính xử lý”.
Mặc dù biết việc tạm ứng này không đúng quy định, nhưng ngày 20/5/2011, Ninh Văn Quỳnh vẫn ký Văn bản số 668/2011/TCKT&KT báo cáo, đề nghị Nguyễn Xuân Sơn nội dung: “Với tình hình triển khai công việc thực tế và tỷ lệ tạm ứng hợp đồng đang được Ban QLDA đàm phán và chưa đi đến thống nhất sau khi chuyển đổi chủ thể Hợp đồng, đề nghị anh chỉ tạm cấp cho Ban QLDA số tiền 500 tỷ đồng để chuyển cho PVC vào ngày 20/5/2011”.
Ngày 23/5/2011, Nguyễn Xuân Sơn đã ký Quyết định số về việc cấp vốn cho Ban Quản lý dự án để tạm ứng cho PVC theo quy định tại Điều 3, khoản 3.2 Hợp đồng EPC số 33 và ký Công văn số yêu cầu Ban Quản lý dự án tạm ứng trước cho PVC số tiền 500 tỷ đồng trong ngày 23/5/2011. Ngày 23/5/2011, Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh đã ký Uỷ nhiệm chi số 189 chuyển cho Ban Quản lý dự án số tiền 500 tỷ đồng.
Tuy không đề xuất tạm ứng cho PVC vì biết việc tạm ứng cho PVC lúc này là sai quy định, nhưng Vũ Hồng Chương và Trần Văn Nguyên đã lập Uỷ nhiệm chi chuyển cho PVC số tiền 500 tỷ đồng nêu trên. Sau đó, ngày 25/5/2011, Vũ Hồng Chương ký Văn gửi Phùng Đình Thực - Tổng giám đốc và Hội đồng thành viên PVN báo cáo về việc đã ứng cho PVC 6,6 triệu USD và 500 tỷ đồng .
Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc sử dụng 1.115.868.979.065 đồng tiền tạm ứng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 không đúng mục đích gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngay sau khi được PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý và Nguyễn Mạnh Tiến đẩy nhanh việc ký Hợp đồng EPC số 33 khi chưa đủ thủ tục pháp lý, sau đó xin tạm ứng để có nguồn tiền sử dụng trả các khoản gốc, lãi các khoản nợ, đầu tư, góp vốn vào các dự án, công trình.
Sau khi được bổ nhiệm là Trưởng Ban Tài chính kế toán, qua rà soát tình hình tài chính của PVC, ngày 06/5/2011, Phạm Tiến Đạt lập Báo cáo số 81/BC-TCKT về tình hình tài chính của PVC gửi Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc nêu rõ thực trạng PVC đã đầu tư quá nguồn vốn chủ sở hữu 1.013 tỷ đồng và hiện không còn nguồn tiền nào để hoạt động.
Vì vậy, sau khi được PVN, Ban Quản lý dự án tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng theo Hợp đồng EPC số 33, thực hiện chủ trương đã thống nhất từ trước, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Quý, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến đã chỉ đạo bị cáo Phạm Tiến Đạt sử dụng 1.115.868.979.065 đồng từ nguồn tiền này để đầu tư, góp vốn vào các công ty, dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng.
Ngày 09/9/2011, theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Tổng giám đốc PVC ký Văn bản số 3894/XLDK-TCKT báo cáo rõ việc PVC đã sử dụng tiền tạm ứng của Hợp đồng EPC số 33 sai mục đích, nhưng lãnh đạo PVN không có ý kiến thu hồi.
Ngày 24/02/2012, Phùng Đình Thực, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng thành vien PVN ký Văn bản số 1427/DKVN-HĐTV yêu cầu người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC (Trịnh Xuân Thanh) báo cáo tình hình sử dụng đối với nguồn kinh phí PVN đã tạm ứng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ngày 06/3/2012, Trịnh Xuân Thanh ký Báo cáo số 86 có nội dung xác nhận PVC đã sử dụng phần lớn số tiền tạm ứng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sai mục đích. Ngày 20/3/2012, Vũ Hồng Chương - Trưởng Ban Quản lý dự án có Công văn số 210 yêu cầu PVC hoàn trả 100% tiền tạm ứng đã bị sử dụng sai mục đích trước ngày 31/3/2012, nhưng sau thời điểm phát hành công văn này, đến ngày 20/11/2012 Ban Quản lý dự án mới bắt đầu thu hồi được khoản đầu tiên. Kết quả điều tra xác định số tiền tạm ứng bị PVC sử dụng sai mục đích số tiền trên.
Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định các bị cáo có hành vi cố ý làm trái.
Về hành vi tham ô: Trên cơ sở thiết kế, dự toán các hạng mục do Lương Văn Hòa hợp thức và trình lên PVC, Nguyễn Anh Minh chỉ đạo các lãnh đạo, chuyên viên Ban Kinh tế đấu thầu và Ban Kĩ thuật an toàn của PVC là Nguyễn Văn Phiên, Đậu Thị Vân, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Dương Sơn Hào, Trịnh Thái Nguyên lập, ký hợp thức các văn bản, thủ tục liên quan đến thẩm định thiết kế, thẩm định dự toán, Nguyễn Anh Minh ký quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán. Các thủ tục còn lại, Nguyễn Thành Quỳnh và Lê Thị Anh Hoa ký các thủ tục hợp thức việc thi công, nghiệm thu, hoàn công, quyết toán hạng mục và ký hợp đồng.
Cuối năm 2013, khi rà soát lại hồ sơ các hạng mục khống nêu trên, Nguyễn Anh Minh thấy việc ký quyết định số 118 ngày 12/01/2012 phê duyệt thiết kế, dự toán đường phục vụ thi công khu nhà điều hành Ban Quản lý dự án và nhà làm việc Ban Điều hành tổng thầu tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 nhưng chưa xin ý kiến Hội đồng quản trị là sai quy định để hợp thức hồ sơ xin ý kiến Hội đồng quản trị.
Nguyễn Anh Minh đã giao Nguyễn Văn Phiên – Phó trưởng ban kinh tế đấu thầu soạn Tờ trình số 849 ngày 08/12/2011 về việc phê duyệt chủ trương xây dựng hạng mục đường phục vụ thi công khu nhà điều hành Ban Quản lý dự án và Nhà làm việc Ban điều hành Tổng thầu tại Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và đưa cho Lương Văn Hòa ký. Lương Văn Hòa đưa cho Lê Xuân Khánh ký nháy vào tờ trình để Lương Văn Hòa ký vào mục Giám đốc ban điều hành.
Sau đó căn cứ trên tờ trình này Nguyễn Văn Phiên soạn tờ trình số 5253 đề ngày 12/12/2011 để Nguyễn Anh Minh ký, xin ý kiến Hội đồng quản trị, Nguyễn Anh Minh trực tiếp cầm phiếu lấy ý kiến Hội đồng quản trị số 1034 đề ngày 14/12/2011 về việc phê duyệt chủ trưởng xây dựng hạng mục đường phục vụ thi công khu nhà điều hành Ban Quản lý dự án và nhà làm việc Ban điều hành Tổng thầu dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Quyết định phê duyệt chủ trương thi công hạng mục đề ngày 31/12/2011 gặp Trịnh Xuân Thanh để ký hợp đồng.
Trịnh Xuân Thanh đã ghi ý kiến: “Đồng ý đề nghị của Tổng giám đốc triển khai điều hành dự án, tổ chức thi công” vào phiếu lấy ý kiến và ký hợp thức Quyết định nêu trên. Nguyễn Anh Minh cũng cầm phiếu này xin ý kiến của Vũ Đức Thuận và được Thuận ghi ý kiến “Đồng ý” vào phiếu này.
"Như vậy bản án sơ thẩm quy kết các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ đúng pháp luật", VKS nói.