|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Virus corona làm khó nhiều mảng đời sống Việt Nam: Từ giáo dục, du lịch tới từ thiện

11:41 | 06/02/2020
Chia sẻ
Việc hạn chế đi lại đến Trung Quốc đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hàng ngày của nhiều mảng xã hội nước ta, từ các tổ chức giải cứu nạn nhân buôn người đến các trường học. Ngành du lịch nhiều khả năng cũng sẽ chịu tác động nghiêm trọng.
Virus corona làm khó nhiều mảng đời sống Việt Nam: Từ giáo dục, du lịch tới từ thiện - Ảnh 1.

Nhiều hoạt động kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona. Ảnh: Song Ngọc.

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin: Trung bình một tuần, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh có trụ sở tại Hà Nội đón nhận 2-5 nạn nhân người Việt được giải cứu khỏi nạn buôn người từ Trung Quốc về nước. 

Tuy nhiên, giữa sự bùng phát của virus corona, chuyến đi xuyên biên giới cuối cùng của tổ chức này là vào ngày 25/1, tức Mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý.

Theo ông Michael Brosowski, người sáng lập và đồng giám đốc điều hành của tổ chức Rồng Xanh cho biết: "Không phải là chúng tôi quyết định dừng lại, mà việc đi qua biên giới và đi lại trong Trung Quốc không thể thực hiện được nữa. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nếu có thể".

Hiện tại, Rồng Xanh vẫn có thể điều tra cơ bản về các báo cáo buôn người, đồng thời cũng tiếp nhận nhiều lời kêu gọi giúp đỡ hơn. Nhưng hiện tại tổ chức này không thể thực hiện bất kì hành trình xuyên biên giới nào.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà sự bùng phát virus corona đã làm gián đoạn các công việc tại Việt Nam, nơi đã có 10 ca nhiễm bệnh được công bố.

Trường học nghỉ Tết kéo dài

Ngày 2/2, ngay trước khi các trường học chuẩn bị quay lại giảng dạy sau kì nghỉ Tết Nguyên đán dài, hầu hết 63 tỉnh thành Việt Nam đã quyết định đóng cửa tất cả các trường công trong tuần kế tiếp.

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Tại hai thành phố này, có tới hơn 4 triệu học sinh "được" ở nhà vì quyết định nghỉ học nói trên.

Các trường tư thục có quyền tự quyết định có mở lại lớp học hay không. Nhiều nơi đã quyết định theo sự chỉ đạo của chính phủ và cho học sinh nghỉ, bao gồm Trường Quốc tế Concordia tại Hà Nội - là ngôi trường có liên kết với trường Quốc tế Hong Kong.

Trao đổi với SCMP, ông Stephen Conroy - một hiệu trưởng của trường cho biết: "Trường chúng tôi có khoảng 430 học sinh. Tại thời điểm này, giống như những nơi khác, chúng tôi không biết sẽ đóng cửa các lớp học trong bao lâu. Tất nhiên chúng tôi rất lạc quan rằng việc giảng dạy sẽ được tiếp tục vào thứ Hai. Nhưng chúng tôi phải tuân theo những hướng dẫn hợp lí để đưa ra quyết định đó".

Ông Conroy giải thích rằng trường đã có kế hoạch cho phép các học sinh lớn tuổi hơn học và làm một số bài tập trực tuyến thông qua các nền tảng như Zoom, nhưng nếu các lớp học đóng cửa lâu hơn, trường sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn.

"Nhiều giáo viên và gia đình của họ đã lên kế hoạch cho kì nghỉ sau khi kết thúc năm học. Chúng tôi đã cân nhắc sử dụng các lớp dạy thêm... Tuy nhiên, trong tuần này chúng tôi chủ yếu vẫn đang chờ đợi và theo dõi tình hình".

Khi nhà trường đợi mở cửa, ông Conroy đã tự cách li bản thân, vì trong kì nghỉ lễ ông đã tới Malaysia và đi chung chuyến bay với các đoàn khách du lịch người Trung Quốc. Ông nói: "Họ là những người thú vị, và tôi chắc chắn rằng họ không bị bệnh... Nhưng tôi có ý thức rằng mỗi người nên thực hiện trách nhiệm của bản thân".

Du học sinh gặp khó khăn

Việc hạn chế đi lại đến Trung Quốc cũng có thể tác động đến ngành giáo dục Việt Nam. Đối với ngành tuyển sinh quốc tế, thời điểm hiện nay là khoảng thời gian bận rộn thứ hai trong năm, chỉ sau mùa thu. Thông thường, các cán bộ tuyển sinh từ các trường và đại học trên khắp thế giới đến thăm châu Á để gặp gỡ các sinh viên tiềm năng cho tương lai, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Fourdozen là một cơ quan tiếp thị kĩ thuật số có trụ sở tại Hà Nội, chuyên tổ chức các hội chợ, các buổi tham quan trường học và các cuộc họp cho những cán bộ này. Ông Brett Wertz - giám đốc và đồng sáng lập của công ty, cho biết những chuyến thăm hàng năm này hiện đang bị hủy vì các lệnh cấm áp dụng cho việc đi đến và trở về từ Trung Quốc.

Ông giải thích: "Các tour du lịch hội chợ sinh viên này thường được tổ chức trên nhiều quốc gia. Dù Việt Nam có thể là nơi "an toàn" để đi du lịch, nhưng vệc Trung Quốc bị cấm sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của khu vực, vì hầu hết các nhà tuyển sinh đến châu Á sẽ luôn dừng chân ở Trung Quốc. Trung Quốc là nơi có lực hấp dẫn lớn, vì vậy hầu hết mọi người sẽ không thực hiện một chuyến đi chỉ để đến Việt Nam".

Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết các gia đình Việt Nam chi tới 4 tỉ USD mỗi năm cho du học nước ngoài. Bùng phát virus corona càng kéo dài, tác động sẽ càng rõ rệt đối với các sinh viên tiềm năng cũng như các trường học mà sinh viên mơ ước được theo học.

Du lịch chịu ảnh hưởng lớn

Trung Quốc là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Điều này có nghĩa là lệnh cấm mọi chuyến bay từ Trung Quốc đại lục sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Việt Nam. 

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong tháng 1/2020 trước khi các lệnh hạn chế được áp dụng, có đến 644.700 người Trung Quốc đến thăm Việt Nam, tăng vọt 72,6% so với cùng kì năm ngoái. Khách Trung Quốc chiếm một phần ba tổng số khách quốc tế trong tháng 1 vừa qua.

Số lượng khách du lịch có thể sẽ giảm mạnh trong tháng 2. Vị trí địa lí gần gũi Trung Quốc của Việt Nam đang khiến nhiều du khách tiềm năng lo sợ.

Bà Diệp là người điều hành Nomad Home Saigon - một dịch vụ khách sạn có trụ sở tại TP HCM tập trung vào cho thuê bất động sản ngắn hạn. Du lịch trong thành phố hiện đang vào mùa thấp điểm, nhưng có tới 50% phòng khách đặt của công ty bà đã bị hủy.

"Rất nhiều người đang hủy các chuyến đi, và chúng tôi không nhận được bất kì khách đặt phòng mới nào. Thông thường, chỉ có 10% khách của chúng tôi là người Trung Quốc, chúng tôi có rất nhiều khách hàng từ Đài Loan và Hong Kong", bà Diệp chia sẻ với SCMP.

Vào ngày 1/2, cơ quan hàng không Việt Nam đã cấm các chuyến bay từ Đài Loan và Hong Kong trong một thời gian ngắn, tạo ra sự hỗn loạn và lo ngại rằng những hạn chế có thể được áp dụng lại.

Bà Diệp cũng cho biết một số tòa chung cư nơi có những phòng mà công ty bà đang quản lí cũng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với virus corona, mặc dù chỉ có ba ca mắc bệnh được xác nhận trong TP HCM. Tại một tòa nhà, nhân viên bảo vệ đo nhiệt độ cơ thể của khách, và mọi người phải kiểm tra tại bàn tiếp tân và cho biết nơi họ đã đi du lịch gần đây.

Chính phủ Việt Nam đang chuyển đổi hai cơ sở hiện có trongTP HCM thành các bệnh viện dã chiến, phòng trường hợp có nhiều ca nhiễm virus corona hơn. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở y tế TP HCM, các cơ sở này sẽ "tiếp nhận, theo dõi và điều trị cho tất cả bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona nếu dịch bệnh lan rộng hơn".

Tại Hà Nội, hai cơ sở quân sự đã được biến thành trung tâm kiểm dịch để chuẩn bị tiếp nhận và cách li 950 người trở về từ Trung Quốc.

Hai tỉnh miền bắc gần biên giới Trung Quốc cũng đã chuẩn bị sẵn giường cho gần 3.000 bệnh nhân. Miền trung Việt Nam có các trung tâm sẵn sàng đón nhận tới 3.700 người.

Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.