|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Virus corona giúp tài chính trực tuyến bùng nổ

21:45 | 17/02/2020
Chia sẻ
Người dân ngại ra đường trong mùa dịch và các chi nhánh ngân hàng đóng cửa khiến hoạt động giao dịch trực tuyến tại Hong Kong lên ngôi.

Sau nhiều tháng hoạt động gián đoạn vì biểu tình, doanh nghiệp Hong Kong lại bị vắt kiệt bởi dịch Covid-19

Giới chức thành phố này cảnh báo kinh tế có nguy cơ chìm sâu vào suy thoái. Năm 2019, Hong Kong đã rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính. 

Dù vậy, các dịch vụ trực tuyến tại đây lại đang lên ngôi. Bank of China chi nhánh Hong Kong gần đây nhận thấy số khách hàng truy cập ứng dụng của họ trên điện thoại tăng vọt. AIA group cũng nhận được nhiều câu hỏi về chính sách dịch vụ. 

Còn Bank of East Asia ghi nhận mức tăng hai chữ số với số giao dịch thanh toán nhanh.

"Đại dịch đang kiểm nghiệm hệ thống tài chính của Hong Kong. Mọi người đang đổ xô đến các kênh trực tuyến, thay vì xếp hàng trước các nhà băng. 

Đến nay, các tổ chức tài chính vẫn xử lý tình huống khá tốt", Kenny Ng Lai-yin - chiến lược gia cổ phiếu tại Everbright Sun Hung Kai nhận xét.

Virus corona giúp tài chính trực tuyến bùng nổ - Ảnh 1.

Người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: AP

Các ngân hàng Hong Kong đã đóng cửa khoảng 20 - 30% chi nhánh và cho nhân viên làm việc tại nhà nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. 

Hệ thống thanh toán nhanh (Faster Payment System) được thiết lập tháng 9/2018 của Hong Kong vẫn tăng trưởng ổn định. Đây là hệ thống kết nối ngân hàng truyền thống với các nhà điều hành ví điện tử và thanh toán điện tử, nhằm tăng tốc giao dịch.

Khoảng 4,2 triệu người dùng đã đăng ký dịch vụ này, tính đến hết tháng 1, tương đương hơn nửa dân số tại Hong Kong. Tháng trước, khoảng 192.000 giao dịch trị giá 2,5 tỷ đôla Hong Kong (322 triệu đôla Mỹ) đã được thực hiện, tăng gấp 3 so với tháng đầu tiên.

Tại Bank of China, các giao dịch trên điện thoại di động chủ yếu là chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm hoặc đổi ngoại tệ. 

Người phát ngôn của Bank of East Asia thì cho biết: "Chúng tôi khuyến khích khách hàng tận dụng các kênh trực tuyến mọi lúc có thể để giảm lượng người đến các chi nhánh và nơi công cộng, nhằm ngăn virus lây lan".

Simon Loong - đồng sáng lập kiêm CEO dịch vụ cho vay trực tuyến WeLab và WeLend cho biết số khoản vay đã tăng đáng kể sau khi dịch bệnh bùng phát. Từ trước đó, nhu cầu này đã tăng cao do người dân ngại ra đường khi biểu tình kéo dài. 

Số khoản vay trên nền tảng của WeLend đã tăng 24% quý trước so với cùng kỳ năm trước đó. Còn sau Tết Nguyên đán, mức tăng là 14% so với năm ngoái.

Đây là phản ứng đã được dự báo trước. Trong khi đó, với các hãng bảo hiểm, giao dịch online tăng mạnh lại khiến họ ngạc nhiên.

"Giai đoạn 26/1 - 9/2, hơn 60% khách hàng AIA đã sử dụng các kênh trực truyến, như AIA Connect và website AIA Hong Kong để thực hiện giao dịch. Con số này tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019", Peter Crewe - CEO AIA Hong Kong và Macau cho biết.

"Chúng tôi nhận thấy doanh thu tăng gấp 3 chỉ trong 2 tuần tháng hai so với tháng trước đó", Fred Ngan Yiu-fai - đồng sáng lập kiêm CEO hãng bảo hiểm trực tuyến Bowtie Insurance cho biết, "Khi người ta nhận ra sự tiện lợi của mua sắm online, họ sẽ tiếp tục làm điều đó thôi".

Blue - một hãng bảo hiểm trực tuyến khác, cũng hưởng lợi từ việc người dân tăng cường bảo vệ sức khỏe. CEO Charles Hung cho biết số hồ sơ đăng ký đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, tại Prudential, 90% hồ sơ yêu cầu bồi thường tuần trước được nộp trực tuyến.

Dù vậy, các hãng môi giới chứng khoán tại Hong Kong lại không được lợi từ xu hướng mới này. Gordon Tsui - Chủ tịch Hiệp hội các Công ty chứng khoán Hong Kong cho biết: "Phần lớn nhà đầu tư đã chuyển sang giao dịch trực tuyến và qua điện thoại nhiều năm nay rồi".

Hà Thu