|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VinFast sẽ chọn phân khúc Toyota - Ford - Honda, hay BMW - Mercedes - Lexus? (*)

12:23 | 03/10/2018
Chia sẻ
Lịch sử đã cho thấy có những thương hiệu nhàng nhàng ở nước ngoài được định vị thành cao cấp ở thị trường Việt Nam. Nhưng cũng rất nhiều thương hiệu cao cấp bị bình dân hoá khi sang thị trường Việt Nam, vì đẳng cấp của chủ nhân không đủ tinh tế. VinFast sẽ chọn cạnh tranh với phân khúc nào?
vinfast se chon phan khuc toyota ford honda hay bmw mercedes lexus Động cơ xe VinFast: Một trong những động cơ tốt nhất thế giới được 'Việt Nam hóa'

Về sự kiện VinFast cho ra mắt hai mẫu xe Sedan và SUV tại Paris Motorshow ngày 2/10, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê mới đây đăng một bài chia sẻ trên trang Facebook cá nhân:

"Hôm qua 2 chiếc xe VinFast trình làng ở Paris. Cá nhân tôi cho rằng đây là cột mốc đáng tự hào của công nghiệp xe hơi Việt Nam. Nhiều người cho rằng hàm lượng “Việt” trong hai mẫu xe này chưa đủ để tự hào, thì chẳng qua là các bạn chưa hiểu về sự thăng trầm của cái ngành này mà thôi.

Năm 2012, lần đầu tiên được tổ chức Triển lãm Ô tô Việt Nam, tôi là người chứng kiến hai chiếc xe “hàng mẫu đang hoàn thiện” của Vinaxuki bơ vơ, khiêm tốn ngoài sân Giảng Võ.

Xếp cuối giờ press tour nên lượng báo chí, dù cố lắm, cũng không còn đông đúc, máy ảnh, máy quay không còn lao xao như khi đứng trước các gian hàng hào nhoáng của các thương hiệu ngoại.

Ngày hôm sau, buổi hội thảo nóng bỏng cũng chứng kiến ông chủ Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên chật vật kêu gọi bảo hộ ô tô thương hiệu Việt. Năm 2017, chính ông Huyên tuyên bố công nhận sự phá sản của tham vọng xây dựng một thương hiệu ô tô của Việt Nam.

So sánh sẽ là khập khiễng, vì cách làm của VinGroup và Vinaxuki là khác nhau. Cả ông Vượng và ông Huyên đều là những người đáng nể trọng, nhưng phương pháp và điều kiện quyết định ai sẽ đi được xa hơn. Ông Huyên dường như tuyệt đối cô đơn và dựa hoàn toàn vào năng lực chuyên môn trong nỗ lực xây dựng thương hiệu ô tô riêng.

Ông Vượng thì khác, cái gì ông không làm được thì ông thuê người khác làm, cái gì ông không có thì ông đi mua. Tôi nghĩ triết lý xây dựng thương hiệu ô tô của ông Vượng khá dễ hiểu: Nếu người ta có thể OEM điều hoà, máy lạnh, máy lọc nước, cho đến dược phẩm, quần áo, thì tại sao không thể OEM ô tô? (OEM là viết tắt của Original Equipment Manufacturer: Nhà sản xuất phụ tùng gốc, là những hãng sản xuất một sản phẩm mặc dù sản phẩm đó lại mang nhãn hiệu của hãng khác - PV)

Nhưng chắc chắn Vin không dừng lại ở OEM. Đó chỉ là một “short cut” để táo bạo đi đến mục đích mà Vinaxuki đi mãi chưa tới. VinFast đang xây nhà máy ở Hải Phòng, mua cả một chuỗi phân phối và bảo trì xe đang hoạt động ngon lành khắp Việt Nam, và tôi cũng sẽ không hề ngạc nhiên nếu ông Vượng đang có trong ngăn kéo những kế hoạch sản xuất nội địa phần nào đó linh kiện ô tô.

Những chiếc xe xuất hiện hôm qua không chỉ đẹp, mà nó khác xa với tư duy của ông Huyên và bất cứ ai đã từng tham vọng thiết kế xe Việt trước đây. Ai cũng nghĩ rằng một công ty nhược tiểu, trong một nước nhược tiểu thì phải bắt đầu từ những thiết kế khiêm tốn, nhỏ bé, với chất lượng vừa phải.

Còn ông Vượng muốn có những thiết kế mà thế giới phải thán phục. Và tất nhiên, thuê cái người đã từng làm cho thế giới thán phục là an toàn nhất. Cũng không khác gì cái cách mà các đại gia bất động sản đang làm.

Nhưng, từ đẹp đến tốt là khác nhau. Luxgen của Đài Loan chả đẹp sao, nhưng tôi chưa đọc được bài viết độc lập nào khen đi sướng cả. Vì thế, tôi sẽ chờ các bài review của các nhà báo chuyên nghiệp khi xe VinFast thực sự lăn bánh. Nhưng ông Vượng có đủ các điều kiện để đảm bảo không - hoặc rất ít có khả năng làm cho nhà báo thất vọng. Ông mua cả thiết kế và công nghệ, lại lựa chọn những nhân vật đã có số má trên thế giới hậu thuẫn.

Chỉ còn một chi tiết: giá bán là bao nhiêu. Không phải tôi kỳ vọng ông Vượng bán rẻ để mua một chiếc, mà nó sẽ cho tôi thấy VinFast sẽ định vị thương hiệu của mình như thế nào. Nó thuộc về phong thái và đẳng cấp được lựa chọn chứ không liên quan nhiều đến chất lượng và vẻ đẹp của sản phẩm.

Lịch sử đã cho thấy có những thương hiệu nhàng nhàng ở nước ngoài được định vị thành cao cấp ở thị trường Việt Nam nhờ chủ nhân thương hiệu đó dẫn dắt bằng phong thái của mình. Nhưng cũng rất nhiều thương hiệu cao cấp bị bình dân hoá khi sang thị trường Việt Nam, vì đẳng cấp của chủ nhân không đủ tinh tế.

VinFast sẽ chọn cạnh tranh với phân khúc Toyota, Ford, Honda, Chevrolet, hay chọn sân Audi, Mercedes, BMW, Lexus? Đó mới là cái nên tò mò lúc này.

*Đăng theo sự cho phép của tác giả. Tựa do BBT đặt.

vinfast se chon phan khuc toyota ford honda hay bmw mercedes lexus
Hình ảnh mẫu SUV của VinFast tại Paris Motor Show 2018.

Về tác giả Lê Quốc Vinh:

Ông Lê Quốc Vinh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation – (Tập đoàn Truyền thông Lê) với 3 công ty thành viên gồm: Công ty Le Media, Công ty Le Bros, và Công ty Vietnam CEO Corporation.

Ông Lê Quốc Vinh cũng là thành viên sáng lập và thành viên HĐQT của Công ty Fansipan Media Corporation, chủ đầu tư và điều hành trực tiếp kênh truyền hình Giải Trí TV.

Xem thêm

Lê Quốc Vinh