|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast muốn nâng tỷ lệ nội địa hoá trên ô tô điện lên 84% trong hai năm tới

20:21 | 12/12/2024
Chia sẻ
Theo VinFast tự công bố, tỷ lệ nội địa hoá trên các mẫu ô tô điện hiện tại của hãng là 60%, không tính pin.

Tỷ lệ nội địa hoá trên ô tô là một chỉ số biểu thị phần trăm giá trị hoặc thành phần của một chiếc ô tô được sản xuất hoặc gia công trong nước, so với tổng giá trị hoặc toàn bộ thành phần của chiếc xe đó. Đây thường được coi là một yếu tố quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô để đánh giá mức độ đóng góp của sản xuất nội địa vào một sản phẩm hoàn chỉnh.

Tại tọa đàm về nội địa hóa ô tô VinFast diễn ra tại Hải Phòng sáng nay (12/12), ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam, cho biết hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. 

Ông Ngọc Anh đánh giá đây thành tựu đáng chú ý trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn non trẻ. 

“Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất chế tạo, trong đó có công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn”, lãnh đạo VinFast nói.

Toạ đàm về nội địa hoá trên ô tô VinFast diễn ra sáng 12/12 tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Huy).

Thách thức thứ nhất là quy mô nhỏ lẻ. Phần lớn các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự đầu tư về công nghệ và năng lực sản xuất.

Thách thức thứ hai là khả năng cạnh tranh thấp. Sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước thường khó đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và giá cả so với các nhà cung cấp quốc tế.

Cuối cùng, theo ông Ngọc Anh, đó là việc thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nội địa còn thiếu sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế - bà Phạm Chi Lan, chia sẻ tại sự kiện rằng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam thực sự là bài toán rất khó. 

Bà Lan cho biết từ những năm 90 Việt Nam đã mở cửa cho 11 hãng ô tô trên thế giới vào xây dựng nhà máy bằng loạt các ưu đãi cao trên cơ sở cam kết tạo lao động và tỷ lệ nội địa hóa. Phần lớn các nhà sản xuất này đều cam kết khoảng 30% tỷ lệ nội địa hoá cho Việt Nam sau 10 - 15 năm và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế này, trên thực tế, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. 

“Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi chúng ta vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp... trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì 10%”, bà Lan nêu khó khăn.

Theo bà, điều đó giải thích cho con số doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay (theo Bộ Công thương) chỉ có khoảng 3.400 cho tất cả các ngành khác nhau, chưa nói là ô tô. 

“Tỷ lệ nội địa hóa của nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ của Thái Lan cao hơn Việt Nam rất nhiều, đơn giản là từ đầu Thái Lan đã được chọn làm nơi làm phụ trợ rồi. Vì đã có ở Thái Lan nên họ không đầu tư vào Việt Nam nữa”, bà Lan nói.

Do đó, ông Lê Ngọc Anh tại VinFast cho biết: “Trước thực trạng này, ngay từ khi gia nhập ngành công nghiệp sản xuất ô tô, VinFast đã đặt ra một mục tiêu rõ ràng là không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia”.

VinFast cho biết tỷ lệ nội địa hoá trên ô tô điện hiện tại của họ là 60%. (Ảnh: Đức Huy).

Với mục tiêu này, ngay từ khi thành lập, VinFast đã xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô thực thụ - nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện.

Tại tổ hợp nhà máy ở Hải Phòng, VinFast dành ra hơn 30% diện tích để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.

Hãng cho biết đã xây dựng lộ trình để nâng tỷ lệ nội địa hoá từ hơn 60% hiện nay lên 84% vào năm 2026 sau khi tự sản xuất được pin điện - một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong ô tô điện.

Trước năm 2022, tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam được tính theo phương pháp do Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa được tính bằng tổng số điểm các linh kiện sản xuất trong nước, chia cho tổng số điểm của toàn bộ linh kiện trên xe. Các linh kiện, bộ phận được sản xuất trong nước được quy đổi thành một số điểm cụ thể dựa trên danh mục do Bộ ban hành.

Tuy nhiên, tới tháng 8/2022, Bộ này ra thông tư bãi bỏ phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá ô tô kể trên. Cơ quan chức năng cho biết việc bãi bỏ nhằm phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. 

“Trước đây, Việt Nam sử dụng phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa dựa trên cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi các nước ASEAN tính theo tổng giá trị của từng chi tiết để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). Việc bãi bỏ này giúp đồng bộ với phương pháp tính chung của khu vực và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước”, thông tư nêu.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ban hành định nghĩa mới về tỷ lệ nội địa hóa ô tô.

Đức Huy

Thủ tướng: Xử lý dứt điểm vướng mắc cho các dự án điện tái tạo trước ngày 31/1/2025
Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết một cách công khai, minh bạch các khó khăn, vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo theo giải pháp Chính phủ đã đưa ra; cố gắng dứt điểm trước ngày 31/1/2025.