|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinalines tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược ở Singapore chuẩn bị IPO

22:18 | 26/04/2017
Chia sẻ
Ngày 26/4, tại Singapore, Vinalines tổ chức hội thảo với chủ đề “Chiến lược phát triển của Vinalines” nhằm tìm kiếm hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Singapore để chuẩn bị IPO.
vinalines tim kiem nha dau tu chien luoc o singapore chuan bi ipo

Gian hàng của Vinalines tại Triển lãm SEA ASIA 6 ở Singapore. (Ảnh: Việt Dũng/Vietnam+)

Ngày 26/4, tại Singapore, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tổ chức hội thảo với chủ đề “Chiến lược phát triển của Vinalines” nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Singapore trong bối cảnh chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, các công ty trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải, ngân hàng đang kinh doanh tại Singapore. ​

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Trung, Trưởng Ban phát triển thị trường, Tổng công ty hàng hải Việt Nam cho biết hiện tại, Vinalines đang trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa.

Dự kiến tháng 12​ năm nay sẽ IPO với mức vốn điều lệ lên ​đến 550 triệu USD Mỹ. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ tới 17.25% vốn điều lệ và tỷ lệ bán ra ngoài là 17,25% vốn điều lệ. Vinalines nhận thấy các doanh nghiệp Singapore là đối tác tiềm năng, có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực cảng biển, dịch vụ hàng hải.

Tại hội thảo, đại diện của Vinalines cho biết việc phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, đội tàu biển và cơ sở hạ tầng logistics nhằm tạo chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói để nâng cao lợi thế cạnh tranh là định hướng mang tính chiến lược phát triển tổng thể của Vinalines.

Vinalines cũng cho rằng ngoài cơ hội tham gia mua cổ phần khi Tổng công ty thực hiện cổ phần hóa, các nhà đầu tư sẽ đồng thời chính là chủ đầu tư của các dự án trọng điểm về cảng biển mà Vinalines sẽ triển khai trong giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 theo chiến lược phát triển đã được chính phủ phê duyệt.

Nhiều doanh nghiệp tới tham dự hội thảo đã trao đổi đối với Vinalines về những khó khăn vướng mắc mà Vinalines gặp phải thời gian qua và đặt nhiều câu hỏi mang tính thực tế về khả năng, triển vọng hợp tác giữa hai bên về lộ trình IPO, đầu tư cảng biển, đội tàu vận tải cũng như về công tác quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cơ hội đầu tư với Vinalines.

Đại diện của Vinalines thẳng thắn thừa nhận trong những năm trước, do tình hình khó khăn chung của ngành vận tải biển thế giới nên đã ảnh hưởng rất lớn đến mảng kinh doanh vận tải của Tổng công ty nhưng năm 2016, sản lượng và doanh thu từ vận tải biển của Vinalines đã có nhiều khởi sắc, tuy không tăng nhiều nhưng lỗ đã giảm mạnh và năm 2016, Vinalines đã kinh doanh có lãi.

Cùng với việc tổ chức hội thảo để tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong quá trình chuẩn bị cho IPO diễn ra vào cuối năm 2017, Vinalines cũng lần đầu tiên tham dự Triển lãm hàng hải quốc tế lần thứ sáu (SEA ASIA 6) từ 25-27/4 tại Singapore.

Triển lãm SEA ASIA là một sự kiện hàng hải uy tín tại châu Á-Thái Bình Dương với 22.000 gian hàng của hơn 420 công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải đến từ nhiều quốc gia mạnh như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Anh, Hà Lan, Na Uy...

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.