|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinaconex muốn thoái vốn khỏi Nước Sông Đà

06:41 | 06/10/2016
Chia sẻ
Hiện tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Vinaconex tại CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) là 51%. Để thoái vốn khỏi doanh nghiệp này, TCT phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

vinaconex muon thoai von khoi nuoc song da

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trước đây, nhà nước phải nắm giữ 51% cổ phần tại Nhà máy nước sạch Sông Đà. Bởi vậy, muốn thoái vốn hoàn toàn khỏi doanh nghiệp này, Vinaconex phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo TCT xác nhận với Đầu tư Chứng khoán, TCT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho TCT được thoái vốn toàn bộ khỏi Viwasupco.

Bên mua chưa được khẳng định chắc chắn, song theo nguồn tin từ Vinaconex, chính là cổ đông lớn thứ hai của Viwasupco - CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái, một công ty con của Tập đoàn Vingroup. Giữa năm 2016, Sinh Thái đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ lô cổ phần tương đương 49% vốn điều lệ của Viwasupco từ nhà đầu tư Singapore.

Viwasupco hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Có thể coi đây là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống Vinaconex. Cụ thể, năm 2015, Công ty này phải đối diện với 6 lần sự cố vỡ đường ống nước truyền tải Sông Đà, bên cạnh đó còn có biến động tỷ giá rất lớn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhưng Nước sạch Vinaconex vẫn lãi lớn. Kế hoạch đặt ra là doanh thu đạt 359,6 tỷ đồng, thực hiện đạt 404,7 tỷ đồng, tăng 2% lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 109,9 tỷ đồng; thực hiện lên tới 147,2 tỷ đồng, tăng 35%.

Lường trước một trong những thách thức lớn tiếp tục phải đối mặt là công suất và chất lượng của ống truyền tải cốt sợi thủy tinh tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra rò rỉ và vỡ ống, năm 2016, Viwasupco vẫn đặt kế hoạch doanh thu đạt 437,41 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 169,79 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 206,1 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch bán niên, song lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 85,9 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch.

Tiềm năng lớn từ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch có lẽ là lý do hấp dẫn nhiều ngân hàng đổ vốn vào dự án nâng công suất nhà máy lên lên 600.000 m3/ngày và đường ống nước sạch giai đoạn 2, trong đó có 2 tổ chức cho vay lớn nhất là BIDV và VCB. Sau nhiều lùm xùm liên quan đến sai phạm tại đường ống số 1 và rắc rối quanh việc lựa chọn nhà thầu Xingxing (Trung Quốc) cung cấp ống gang dẻo, cho đến nay, tuyến ống số 2 dài 21 km chưa có nhiều tiến triển.

Tính đến cuối tháng 6/2016, Viwasupco đã hoàn thành thi công ống thép đoạn đi qua sông Tích và sông An và đang thi công dàn thép đỡ ống, lắp ống qua sông Đáy, đào mương, phát quang và di chuyển cây xanh trên tuyến ống Dự án chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 2, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm. Với hạng mục xây dựng tuyến ống cấp nước dài 21 Km trên Đại lộ Thăng Long, tổng mức đầu tư theo quyết định là 1,238 tỷ đồng, Viwasupco mới nghiệm thu được 35 tỷ đồng, trong đó gồm 7 tỷ đồng tiền xây lắp và 28 tỷ đồng thiết bị và các chi phí khác.

Lãnh đạo Vinaconex xác nhận rằng, Viwasupco và nhà thầu Xingxing đã thống nhất hủy kết quả gói thầu cung cấp đường ống gang dẻo.

Như vậy, có thể thấy rằng, giai đoạn 2 dự án nước sạch Sông Đà tới đây sẽ có nhiều thay đổi, riêng tuyến ống số 2 sẽ được tiếp tục theo hướng nào: chỉ định thầu hay không, có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả thoái vốn của Vinaconex tại Viwasupco.

Với cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và phát triển Sinh Thái, họ đã có sự hiện diện mạnh mẽ và chủ động trong nhiều hoạt động quan trọng của Viwasupco. Đơn cử, tháng 8/2016, nhà đầu tư này đã đề nghị Viwasupco hoãn kế hoạch đăng ký giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với lý do có sự biến động về tình hình sản xuất kinh doanh, công tác đầu tư cũng như cơ cấu cổ đông của Công ty so với thời điểm HĐQT Công ty phê duyệt chủ trương niêm yết cổ phiếu.

Theo Thủy Nguyễn

ĐTCK