|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Viglacera lãi gần 1.500 tỷ đồng trong 8 tháng, mảng bất động sản khu công nghiệp là trụ cột chính

17:05 | 06/09/2023
Chia sẻ
8 tháng đầu năm, Viglacera ghi nhận 1.463 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 21% kế hoạch năm đề ra.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) vừa tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch những tháng cuối năm 2023.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết trong tháng 8, công ty lãi gần 151 tỷ đồng. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, Viglacera ghi nhận 1.463 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 21% kế hoạch năm. Riêng công ty mẹ ước đạt 1.536 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 17% mục tiêu năm.

 Nguồn:Viglacera.

Viglacera cho biết, đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh là mảng bất động sản (BĐS) khu công nghiệp. Đối với mảng vật liệu xây dựng (VLXD), thị trường xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh, ghi nhận rõ nhất ở nhóm gạch ốp lát tăng 134% và kính xây dựng tăng 33% so với cùng kỳ.

Trong những tháng cuối năm 2023, Viglacera dự kiến tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, bám sát diễn biến thị trường, đầu tư vào công tác phát triển sản phẩm mới theo định hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường.

Đối với lĩnh vực BĐS, công ty sẽ tập trung thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án khu công nghiệp như Thuận Thành I, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước và đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, công ty sẽ chủ động rà soát hàng tháng hoạt động sản xuất kinh doanh cho từng nhóm, lĩnh vực hoạt động, chi tiết từng đơn vị thành viên nhằm bám sát diễn biến thị trường.

 Trụ sở Viglacera tại Hà Nội (Ảnh: Lâm Anh).

Trong báo cáo cập nhật cuối tháng 8, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, kết quả kinh doanh của Viglacera sẽ giảm trong năm 2023 và phục hồi vào năm 2024 với động lực chính là mảng BĐS.

Theo đơn vị phân tích, doanh thu từ mảng BĐS Khu công nghiệp dự kiến tăng mạnh trong năm 2024 nhờ tăng diện tích cho thuê lên 250 ha (tăng 35% so với cùng kỳ) do bắt đầu mở bán mới KCN Thuận Thành I và KCN Tiền Hải – Thái Bình. Giá bán dự kiến tại KCN Thuận Thành I vào khoảng 120 USD/m2/kỳ thuê (có thể thay đổi tùy theo vị trí và diện tích của khu đất).

Mảng VLXD được dự báo hồi phục vào nửa cuối năm nay và trong năm 2024. Đơn vị phân tích cho rằng, biên lợi nhuận của các mảng này sẽ cải thiện dù tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Cả 4 lĩnh vực gạch ốp, gạch ngói, kính và sứ, sen vòi đều có kết quả kinh doanh hồi phục nhờ thị trường BĐS và các hoạt động xây dựng dân dụng hồi phục. Đồng thời, giá các nguyên vật liệu dự báo hạ nhiệt và giá bán các sản phẩm VLXD tăng trở lại.

Còn mảng kính và gạch ốp lát của Viglacera sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng công suất trong tương lai. Hiện tại, công ty có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 nhà máy Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ với công suất khoảng 56,8 triệu m2/năm. Theo BVSC, nếu nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp quy mô sản xuất kính của Viglacera tăng 60% so với công suất hiện tại.

Chốt phiên 6/9, cổ phiếu VGC dừng tại 50.400 đồng/cp, tăng 50% so với thị giá hồi đầu tháng 5.

Diễn biến giá cổ phiếu VGC từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Trading View).

Lâm Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.