Viglacera báo lãi cao nhất lịch sử, sẽ giảm sở hữu nhà nước xuống còn 56,6% trong năm nay
Doanh thu thuần trong quý IV/2016 đã tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi các chi phí khác không thay đổi đáng kể ngoài chi phí quản lý đã giúp VGC ghi nhận 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính cả năm 2016, VGC đạt 8.078 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại tăng mạnh lên 488 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 48,5%.
Nguyên nhân là trong năm 2016, biên lãi gộp của VGC đã tăng lên 24,6% so với mức 22% của năm 2015. Đồng thời, lợi nhuận khác cũng có sự cải thiện khi đạt 12 tỷ đồng thay vì lỗ 78 tỷ đồng trong năm trước.
Nguồn: BCTC Quý IV/VGC
Theo nghị quyết Hội đồng quản trị đưa ra trong phiên họp đầu năm 2017, HĐQT VGC cho biết trong năm 2016, VGC đã hoàn thiện và bổ sung các quy chế, quy định để TCT hoạt động theo hình thức cổ phần, công ty niem yết. Tiếp tục triển khai tái cấu trúc toàn diện trong toàn TCT về mô hình tài chính, cơ cấu sản phẩm, năng lực cạnh tranh…
Đặc biệt, trong 11 đơn vị có năng lực cạnh tranh thấp đang triển khai tái cơ cấu và kiểm soát đặc biệt, kết thúc năm 2016 đã có 8/11 đơn vị hoạt động có lãi là CP Thăng Long, CP Hà Nội, CP Từ Liêm, CP Hữu Hưng, CP Đông Anh, CP Bá Hiến, CP Đông Triều và CP Hợp Thịnh. Qua đó góp phần làm giảm lỗ lũy kế 125,5 tỷ đồng, bên cạnh đó vẫn còn 3/11 đơn vị tiếp tục lỗ phát sinh là CP Đáp Cầu, CP BTK và Cp CK-XD. Như vậy, lũy kế cả năm tổng cộng 11 đơn vị đã giảm lỗ lũy kế được 94,9 tỷ đồng, đạt 155% kế hoạch tái cơ cấu đã đề ra.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, VGC đã hoàn thành việc chuyển từ sàn UpCom sang niêm yết trên sàn HNX.
Năm 2017, VGC đặt mục tiêu 16.326 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2017 khoảng 908 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2016. Riêng quý I/2017 doanh thu dự kiến đạt 3.170 tỷ đồng và 177 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ngoài ra, năm 2017 VGC dự kiến tăng vốn điều lệ lên 4.270 tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại TCT từ 78,8% xuống còn trên 56,6%.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chậm nhất đến năm 2019 phải giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống dưới 51% tại VGC.