|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines được 'mở đường' để duy trì niêm yết cổ phiếu

12:07 | 03/01/2024
Chia sẻ
SSC sẽ lấy ý kiến cho phép doanh nghiệp được duy trì niêm yết cổ phiếu trong trường hợp đặc biệt nếu được Chính phủ xem xét, quyết định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa thông báo sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Thời gian đăng tải lấy ý kiến đến hết ngày 5/1.

Chi tiết đáng chú ý tại Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”. Quy định này có thể mở đường cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) duy trì niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HOSE. 

Doanh nghiệp hàng không này đang đứng trước nguy cơ rời sàn niêm yết lớn nhất Việt Nam do đã lỗ ba năm liên tiếp (2020-2022) và âm vốn chủ sở hữu, thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc đối với toàn bộ hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN.  

Cụ thể, trên báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Vietnam Airlines lỗ thêm hơn 11.200 tỷ đồng, qua đó nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm lên trên 35.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm 11.000 tỷ đồng. 

Dự thảo điều khoản trên vẫn chỉ là cánh cửa hẹp bởi hãng hàng không quốc gia còn cần phải có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước, phải được Chính phủ thông qua việc duy trì niêm yết cho trường hợp đặc biệt. 

 Vietnam Airlines sắp được mở đường cho việc duy trì niêm yết cổ phiếu theo diện đặc biêt. Ảnh: HVN

Trước đó, trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền nói hoàn cảnh của Vietnam Airlines là "tình huống rất đặc biệt", dù đang lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. 

Hãng bay này trước dịch Covid-19 luôn thuộc nhóm doanh nghiệp đứng đầu về giá trị vốn hóa, tài chính minh bạch và khả năng sinh lời cao trên sàn niêm yết. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty trong ngành hàng không.

"Đây là tình huống khách quan, doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu và đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên HOSE", vị này nói.  

Lãnh đạo Vietnam Airlines nói thêm đang tiến hành đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, trong đó giải pháp tự thân là quan trọng nhất. Hãng phải tiến tới có lãi, khả năng thanh toán từ dòng tiền kinh doanh, có giải pháp đồng bộ tái cơ cấu để khắc phục hậu quả của Covid-19. 

Mới đây, Vietnam Airlines ước tính tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 92.000 tỷ đồng trong năm vừa qua, vượt 1,4% so với kế hoạch, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn hệ thống này dự tính lỗ trước thuế 6.082 tỷ đồng, sẽ nối dài chuỗi 4 năm lỗ liên tiếp.

HOSE cuối năm ngoái có quyết định đưa cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo sau khi Vietnam Airlines đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 16/12/2023, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.  

Từng được giải cứu 

Tháng 11/2022, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đồng thời, cơ quan này cũng cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. 

 

 

Huy Lê

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).