Vietjet đặt cọc hơn 7.700 tỷ để mua tàu bay
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán mới được công bố, tại ngày 31/12/2020, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đang đặt cọc 4.189 tỷ đồng cho tập đoàn Airbus để mua tàu bay nhận trong 12 tháng tiếp theo, tức là trong năm 2021.
Ngoài ra, Vietjet còn đặt cọc 3.515 tỷ đồng cho cả Airbus và Boeing để mua máy bay nhận trong giai đoạn 2022 – 2026.
Tổng cộng, Vietjet đặt cọc 7.704 tỷ đồng cho cả Airbus và Boeing.
Vietjet từng ký một hợp đồng và các phụ lục liên quan với Airbus để mua 186 tàu bay. Tính đến ngày 31/12 năm ngoái, Vietjet đã nhận được 64 tàu bay, những chiếc còn lại dự kiến sẽ tiếp tục được bàn giao đến năm 2026.
Để trang bị cho các tàu bay này, Vietjet đã đặt mua 106 động cơ từ CFM International và 90 động cơ từ United Technologies Corporation (Pratt & Whittney Division), bao gồm thỏa thuận cung cấp dịch vụ bảo dưỡng.
Theo các hợp đồng mua bán tàu bay, cam kết của Vietjet liên quan đến các khoản thanh toán trước khi giao các tàu bay còn lại (bao gồm động cơ tàu bay) tại ngày 31/12/2020 là xấp xỉ 1,6 tỷ USD.
Vietjet cũng đã ký một hợp đồng và các phụ lục liên quan với Boeing để mua tàu bay. Các cam kết của Vietjet tại ngày 31/12/2020 liên quan đến các khoản thanh toán trước khi giao tàu bay là gần 1,24 tỷ USD.
Theo website của Boeing, Vietjet đã đặt mua 200 tàu bay 737 Max, gồm 100 chiếc vào tháng 5/2016 và 100 chiếc tháng 12/2018. Hiện nay Boeing chưa bàn giao chiếc nào.
Thống kê của trang airfleets.net cho biết Vietjet đang khai thác 73 tàu bay, trong đó có 18 chiếc A320 và 55 chiếc A321. Cả hai dòng này đều thuộc gia đình thân hẹp A320 của Airbus. Việc sử dụng một số ít loại tàu bay giúp đơn giản hóa hoạt động bảo dưỡng và cắt giảm chi phí.
Nhiều hãng tàu bay giá rẻ trên thế giới cũng chỉ sử dụng một hoặc hai loại tàu bay. Chẳng hạn, đội bay của Southwest Airlines (Mỹ) chỉ toàn Boeing 737 NG và Boeing 737 MAX.
Về kết quả kinh doanh năm 2020, Vietjet ghi nhận doanh thu 18.220 tỷ và lãi sau thuế gần 69 tỷ, giảm lần lượt 64% và 98% so với năm trước. Do ảnh hưởng của COVID-19, số chuyến bay Vietjet khai thác trong năm ngoái giảm 44% so với 2019, xuống còn 77.476 chuyến.
Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất của Vietjet là PwC Việt Nam nêu vấn đề cần nhấn mạnh: Giả định về hoạt động liên tục của Vietjet cơ bản phụ thuộc vào khả năng tạo ra đủ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và các giải pháp khác để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Những điều kiện này cùng với sự ảnh hưởng của các quy định hạn chế đi lại của các quốc gia và khả năng phục hồi của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giữa các quốc gia cho thấy có yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến khả năng hoạt động liên tục của Vietjet, PwC Việt Nam nói.
Để bổ sung nguồn vốn hoạt động, tháng 4 vừa qua Vietjet đã bán 17,78 triệu cổ phiếu quỹ VJC, thu về 2.350 tỷ đồng.