'VietinBank có thể nhận được một phần trong 8.000 tỷ đồng phí trả trước bancassurance'
Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, Mã: CTG) mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính mức phí trả trước từ hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance) giữa ngân hàng và Manulife khoảng 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng VietinBank có thể chỉ nhận được một phần của mức phí trả trước trên do còn điều khoản liên quan đến đơn vị hợp tác cũ AVIVA sau khi ngân hàng bán lại cho Manulife.
Đồng thời, VietinBank đã chính thức chuyển sang thực hiện tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 (Basel II) và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) mới chỉ đạt trên mức yêu cầu tối thiểu 8% theo quy định.
Do vậy, VCBS nhận định VietinBank có thể ghi nhận sớm khoản phí trả trước để hiện thực hóa lợi nhuận và tăng mức vốn chủ sở hữu trong bối cảnh ngân hàng rất cần nguồn vốn để phục vụ quá trình tăng trưởng về tài sản.
Theo chia sẻ của đại diện VietinBank, ngân hàng đã hoàn thành đề án tái cơ cấu dưới sự theo dõi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho giai đoạn 2018 - 2020 và đây là tiền đề cho sự tăng trưởng về lợi nhuận các năm tới khi chi phí trích lập giảm xuống theo kịch bản cơ sở của nhóm phân tích.
Song song, ngân hàng đã triển khai hệ thống core-banking mới từ năm 2018 có khả năng xử lý nhanh và giao diện thuận tiện cho khách hàng.
Bên cạnh đó, VietinBank đã ra mắt nhiều gói tài khoản ưu đãi miễn phí chuyển khoản. VCBS đánh giá bước đi này là phù hợp với xu hướng của ngành ngân hàng thời điểm hiện tại và sẽ giúp ngân hàng giữ được lượng tiền gửi không kỳ hạn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà băng.
Mặt khác, về phía rủi ro, nhóm phân tích đánh giá VietinBank có cơ cấu danh mục cho vay hướng tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau bao gồm cả một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả.
Do đó, dư nợ thuộc nhóm khách hàng này có thể trở thành nợ xấu trong tương lai nhất là khi phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
VCBS ước tính lãi trước thuế của VietinBank có thể đạt 21.435 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 25,6% trong kịch bản cơ sở, với giả định ghi nhận phí trả trước trên 2.000 tỷ đồng và chi phí trích lập giảm nhẹ.