|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank trình hồ sơ bán cổ phần cho nước ngoài lên NHNN

10:16 | 08/09/2016
Chia sẻ
Vietcombank vừa chính thức đệ trình hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền là NHNN và Chính phủ xin chấp thuận việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore GIC và cổ đông ngoại hiện hữu là Mizuho Bank Ltd (Nhật Bản).

GIC và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký một biên bản thoả thuận ghi nhớ tại Singapore ngày 29-8-2016, theo đó GIC sẽ mua 7,73% cổ phần Vietcombank tính trên toàn bộ cổ phần ngân hàng này, tương đương 305,81 triệu cổ phiếu. Phần còn lại 53,97 triệu cổ phiếu Mizuho Bank Ltd sẽ mua để đảm bảo tỉ lệ sở hữu của họ tại đây giữ nguyên ở mức 15% và tiếp tục là cổ đông tổ chức lớn nhất (không kể cổ đông Nhà nước).

“Việc cơ quan quản lý ngành và Chính phủ có chấp thuận cho Vietcombank bán cổ phần cho nước ngoài lần này hay không giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào các cấp có thẩm quyền”, một quan chức cấp cao ngành ngân hàng nói, và cho biết thêm: “Vietcombank đã tìm được đối tác chiến lược tốt và giá họ chào mua cũng hợp lý trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam cũng như khu vực”.

Nước ngoài chào mua cổ phần Vietcombank với giá bao nhiêu? Nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi trong giới tài chính cho biết Vietcombank dự kiến thu được khoảng 10.200 tỉ đồng cho đợt phát hành cho nước ngoài. Với số cổ phần phát hành cho hai đối tác ngoại là 359,777 triệu cổ phiếu, giá chào mua của nước ngoài ước 28.350 đồng/cổ phiếu, tương đương 39.274 đồng/cổ phiếu trước khi chia thưởng 35% bằng cổ phiếu và 10% cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt.

So với giá đóng cửa VCB ngày 7-9-2016 là 50.500 đồng/cổ phiếu, thì giá nước ngoài chào mua thấp hơn 22%.

Tuy nhiên giá chào mua của GIC đang cao hơn gấp 3 lần giá trị sổ sách (P/B) của Vietcombank. Crédit Suisse định giá Vietcombank, theo tất cả các phương pháp từ phương pháp định giá giá trị nội tại bằng mô hình chiết khấu cổ tức đến phương pháp dựa trên P/B, ở mức 17.120 đến 40.710 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay các ngân hàng Việt Nam thường xuyên đối mặt với áp lực tăng vốn để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo Basel II. Ngân sách không thể tăng vốn cho các ngân hàng bất chấp Nhà nước là cổ đông chi phối, còn phát hành trong nước thì không tìm được người mua; chưa kể một số cổ đông ngoại của một số tổ chức tín dụng cổ phần đang tích cực thoái vốn.

Những năm trước Vietinbank phát hành cho nước ngoài 20% cổ phần, trị giá 15.465 tỉ đồng, (tức khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu); còn BIDV hiện vẫn chưa tìm được cổ đông chiến lược ngoại.

Còn nhớ năm 2006, Vietcombank đã từng bán hụt cổ phần cho nước ngoài lúc bấy giờ là tập đoàn tài chính GE (Mỹ) chỉ vì các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu một mức giá quá cao, khoảng gấp 10 lần mệnh giá. Một quan chức của Bộ Tài chính sau này trao đổi với người viết bài này rằng đó là sai lầm lớn, nhưng khi ấy không ai có thể nhìn thấy trước được. Sau lần hụt đó, mãi 5 năm sau, năm 2011, Vietcombank mới bán được cổ phần cho Mizuho Bank Ltd với giá 34.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 15,5% mức chào mua của GIC hiện nay. Nếu tính qua các đợt chia thưởng và trả cổ tức, giá vốn đầu tư của Mizuho vào Vietcombank hiện chỉ bằng khoảng 60% giá chào mua của GIC.

GIC đang muốn tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam sau các khoản đầu tư vào Masan và FPT. Có lẽ vì thế, họ đã trả cho Vietcombank một cái giá mà giới tài chính cả nội và ngoại ở Việt Nam đều nhận định cao hơn giá trị nội tại hiện hữu của ngân hàng này.

Theo Hải Lý

TBKTSG

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.