Việt Nam xếp thứ 4 trong cuộc đua xuất khẩu tôm sang Mỹ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Việt Nam xếp thứ 4 số các thị trường cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ năm 2021 đạt 88.161 tấn, trị giá 969,2 triệu USD, tăng 33% về khối lượng và 39% về giá trị so với năm 2020.
Tôm Việt Nam được nhập khẩu vào 17 bang của Mỹ. Trong đó bang New York ghi nhận khối lượng nhập khẩu nhiều nhất với 31.647 tấn, chiếm 36% tổng khối lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ. Bang California nhập nhiều thứ hai với 23.995 tấn, chiếm 27% tổng khối lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Năm 2021, trên thị trường Mỹ, mặc dù giá trung bình xuất khẩu của tôm Việt Nam vẫn còn phải cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng đã ghi nhận cao hơn các nước này.
Với sự "trỗi dậy" mạnh mẽ của tôm Ecuador trên thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 4 trong top các nguồn cung tôm chính cho Mỹ với tỷ trọng giá trị tăng từ 10,7% năm 2020 lên 12% năm 2021 và tỷ trọng khối lượng tăng từ 8,8% lên 9,8% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ.
Mỹ đã tạo nên một kỷ lục mới về khối lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm trong năm 2021 với khối lượng đạt 896.109 tấn, trị giá trên 8 tỷ USD, tăng 20% về khối lượng và 24% về giá trị so với năm 2020. Giá trung bình nhập khẩu đạt 8,94 USD/kg, tăng 4% so với năm 2020.
Sự phục hồi kinh tế Mỹ sau giai đoạn căng thẳng của đại dịch được coi là mạnh mẽ nhất trong số các nền kinh tế phương Tây. Chính phủ Mỹ đưa ra gói 5,2 nghìn tỷ USD để kích cầu tiêu dùng.
Trước khi vắc xin được tiêm rộng rãi, nhập khẩu tôm vào Mỹ để phục vụ kênh bán lẻ tăng vọt do người tiêu dùng đã quen chế biến món ăn tại nhà. Sau đó, vắc xin được phủ nhanh chóng cũng giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm, tăng nhu cầu tại phân khúc dịch vụ thực phẩm, hoạt động ăn tối tại nhà hàng của người dân Mỹ.
Dù hiện tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 1/2022, tuy nhiên chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ vẫn ổn định nhờ các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhu cầu tôm của Mỹ dự kiến vẫn ổn định trong năm nay và đây là thị trường trọng điểm doanh nghiệp luôn cần tập trung phát triển.
VASEP cho rằng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ, ngành tôm Việt Nam vẫn cần có chiến lược bài bản về cải thiện giá thành nuôi tôm và chế biến tôm, cải thiện hoạt động chế biến và nắm bắt đúng thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ.
Ấn Độ đang dẫn đầu về cung cấp tôm cho Mỹ năm 2021. Ấn Độ xuất khẩu 340.351 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 3 tỷ USD, tăng 20% về khối lượng và 24% về giá trị so với năm trước đó.
Ấn Độ chiếm 38% tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ trong năm 2021 và chiếm 37% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ. Ngành tôm Ấn Độ vẫn đang phải chịu những tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Ecuador đã trở thành nguồn cung tôm chính cho Mỹ kể từ tháng 7/2020 khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu từ một số công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do lo ngại coronavirus trên bao bì sản phẩm nên Ecuador phải chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn thứ hai là Mỹ.
Về khối lượng tôm cung cấp cho Mỹ, Ecuador đứng thứ hai trong năm 2021 với 183.886 tấn, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng 46% về khối lượng và 73% về giá trị so với năm 2020. Ecuador chiếm 20,5% tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ và chiếm 17% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ.
Indonesia đứng ở vị trí thứ ba về xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm 2021. Mặc dù tuột mất vị trí thứ hai tuy nhiên lượng tôm xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ không bị giảm. Năm 2021, xuất khẩu tôm của nước này sang Mỹ đạt 174.583 tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 9% về lượng và 9% về giá trị so với năm 2020.