Việt Nam vươn lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới
Ngày 19/4, tại lễ khai mạc "Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021", ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho biết Việt Nam được xem là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được.
Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới, tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Theo ông Hải, thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.
Cũng theo Thứ trưởng tham gia vào Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng đều qua các giai đoạn.
"Từ chỗ chỉ có 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2020 Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được công nhận, trong đó đã có nhiều thương hiệu đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Do vậy, đại diện Bộ Công Thương cho biết chương trình năm nay được kỳ vọng sẽ tạo thêm lợi thế cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức.
Theo báo cáo Brand Finance năm 2020 là một năm hoàn toàn khác biệt, đặt các quốc gia trên thế giới vào thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với hoạt động kinh tế và triển vọng tăng trưởng GDP.
Trong bối cảnh này, “quyền lực mềm” của một quốc gia được cho là quan trọng hơn bao giờ hết.
Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng “quyền lực mềm” toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN có sự dịch chuyển, thăng 3 bậc so với năm ngoái, từ vị trí 50 lên 47.
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Việt Nam dường như đã quản lý khá tốt mọi mặt về chiến lược, đặc biệt là hội nhập và liên kết của thương hiệu quốc gia và các thương hiệu trong nước.
Có nhiều yếu tố tác động đến quyền lực mềm, trong đó có hai thông số là "sự quen thuộc" và "uy tín" cần được Việt Nam tiếp tục cải thiện tốt hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin, cho rằng với sự hỗ trợ của chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group: "Chúng ta có thể tái định vị hình ảnh thương hiệu quốc gia của mình, xây dựng chương trình truyền thông dựa vào uy tín và cũng có thể xây dựng niềm tự hào của nhân viên trên cơ sở giành được thương hiệu quốc gia".