Việt Nam tận dụng cơ hội hút vốn đầu tư sau dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng hôm 7/9 đã có buổi đối thoại với 4.700 đối tác quốc tế, chuyên gia, thảo luận các chiến lược để tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch COVID-19 với chủ đề “Việt Nam - ngôi sao đang lên”.
Tận dụng cơ hội ngàn năm có một
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 và các hệ quả nặng nề của nó đã khiến các quốc gia và các tập đoàn, DN quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia hay một đối tác.
Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới đã ban hành chính sách ưu đãi, gói hỗ trợ mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước thời cơ ngàn năm có một đó, Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hành động nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư như, chuẩn bị sẵn sàng quĩ đất, mặt bằng, nhà xưởng, năng lượng, xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án qui mô lớn, ứng dụng công nghệ cao,...
Đi kèm với đó, Việt Nam cũng nỗ lực chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kĩ thuật vào Việt Nam làm việc,... tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào Việt Nam.
NHNN sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng để đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ vào các yếu tố ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Trong lĩnh vực tiền tệ và quản lí khu vực ngân hàng, NHNN luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ổn định vĩ mô, ổn định tiền tệ, tỷ giá, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi,...
Từ đầu năm đến nay, phía NHNN đã có những bước đi đúng đắn, kịp thời cả trong điều hành chính sách tiền tệ, thanh toán và quản lí khu vực ngân hàng.
NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, giảm trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng lẫn người vay được tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn,...
Trước những thách thức và cơ hội đặt ra giữa sự phức tạp của đại dịch COVID-19, đi kèm với môi trường đầu tư, thương mại toàn cầu có nhiều biến động, NHNN sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác dự báo, xây dựng và cập nhật những kịch bản có thể xảy ra và triển khai các hành động chính sách phù hợp.
Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, NHNN sẽ sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD), Luật Bảo hiểm tiền gửi, bổ sung một số qui định mới…chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
"NHNN sẽ tiếp tục điều hành nhằm đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn tập trung đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động và an toàn tài chính", Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Muốn thu hút FDI, phải cải thiện cơ sở hạ tầng tăng tính kết nối
Dưới góc độ một tập đoàn quốc tế, ông C. K. Tong, Tổng Giám đốc BW Industrial Development góp ý, tuy Việt Nam có lợi thế về tốc độ tăng trưởng nhưng để thu hút FDI hiệu quả hơn, Việt Nam cần chú trọng nhiều đến cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối.
Cụ thể, cần chú trọng hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam, cảng biển, chất lượng giao thông, phát triển các cụm công nghiệp tại địa phương,...
Còn ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, chia sẻ, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn khi mang trong mình những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở.
Đại dịch COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, tuy nhiên, điều đó không nên ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam.
Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam
Ông Nirukt Sapru cho biết thêm, nhiều công ty khởi nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lí gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.