Việt Nam sớm có luật cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?
|
Chiều 22/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình 2017.
Muốn làm rõ hơn
Cụ thể, Chính phủ xin trình Quốc hội sớm trước một kỳ họp 2 dự án, lùi thời gian trình 4 dự án, bổ sung 4 dự án luật.
Các dự án được bổ sung gồm: dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt - cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
Những đề nghị cụ thể này, tuy nhiên, vẫn còn chờ thêm một số bước mới có thể quyết định có điều chỉnh hay không.
Riêng với dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhất trí với việc cần xây dựng để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước.
Tuy nhiên, do đây là nội dung rất mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, nên để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn nữa nội dung các chính sách cơ bản cần thể hiện trong luật. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xác định cơ chế, chính sách đặc thù cho từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu làm nổi bật thế mạnh của từng địa phương, không cạnh tranh lẫn nhau, bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với khu vực và quốc tế.
Đồng thời, có đánh giá cụ thể về tác động của việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là dự kiến nguồn lực và những chi phí cho việc thành lập và tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở các địa phương này.
Bao giờ có Luật Biểu tình?
Ngoài những nội dung trên, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về một số dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền giao nhưng chưa rõ hồi âm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ban Bí thư đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 2, sau khi xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Về hội, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại dự án này để báo cáo Quốc hội.
Cũng tại kỳ họp thứ 2, trong nghị quyết về điều chỉnh chương trình năm 2016 và chương trình năm 2017, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, Luật Biểu tình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình.
Ngoài ra, theo hồ sơ của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban Kinh tế, trong dự án Luật Quy hoạch dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới có đề cập đến việc phải sửa đổi, bổ sung 32 văn bản luật có liên quan để bảo đảm luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung 3 luật khác (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế).
Bên cạnh đó, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng đã được đề nghị nghiên cứu chuyển thành luật; trên cơ sở kết quả kiểm điểm về việc để xảy ra các sai sót trong Bộ luật Hình sự vừa qua, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng có đề nghị cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng luật...
Tuy nhiên, trong tờ trình của Chính phủ chưa có báo cáo cụ thể về tình hình chuẩn bị các dự án, nội dung xây dựng luật được giao trong các văn bản nói trên của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ với Quốc hội về nội dung Chính phủ đã thực hiện các yêu cầu trên đây như thế nào, trách nhiệm, nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc chuẩn bị và trình các nội dung này và dự định sẽ trình Quốc hội các nội dung này vào thời điểm nào.