|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam sẽ ra sao nếu không có TPP?

15:28 | 10/11/2016
Chia sẻ
TPP nếu được Chính phủ các nước thành viên (bắt buộc phải có Mỹ) thông qua trước thời hạn 5/4/2018 sẽ là kịch bản tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Ngược lại, nếu TPP thất bại, rủi ro đối với nền kinh tế không phải là quá lớn, dựa trên những diễn biến nội tại đang xảy ra.   

Nếu TPP không được thông qua...

Báo Vietnamplus dẫn nguồn tin, ngày 9/11, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell, đã bác bỏ mọi hy vọng rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Barack Obama ký kết sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng Một tới. "Chắc chắn là thỏa thuận này sẽ không được đưa ra bàn thảo trong năm nay", ông McConnell khẳng định.

Điều này lại tiếp tục dấy lên lo ngại về TPP có thể sẽ không được thông qua cùng với việc ông Donald Trump - người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ nhiều lần tuyên bố không ủng hộ TPP.

viet nam se ra sao neu khong co tpp
Ảnh: VnEconomy

Tại Diễn đàn Kinh doanh 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định không có TPP, Chính phủ vẫn phải phát triển theo đúng con đường mà mình đã chọn.

Khi tham gia đàm phán TPP, ông Khánh đã thấy các quy định trong TPP đồng chiều với định hướng phát triển của Việt Nam, phù hợp chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, phù hợp tiêu chuẩn vì người lao động, bảo vệ môi trường...

Tham gia TPP là hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, thực hiện các cam kết phát triển nhưng không hi sinh môi trường, áp dụng các chuẩn mực minh bạch trong đầu tư công. "Nếu không có TPP, Việt Nam vẫn tiếp tục các chủ trương đó, tiếp tục con đường đó", ông Khánh nói.

Rủi ro với nền kinh tế không phải quá lớn

Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research) cho rằng cánh cửa cho hiệp định TPP được thông qua nhiều khả năng sẽ khép lại, sự tăng trưởng không dễ dàng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư, mở rộng sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam trong các năm tiếp theo.

RongViet Research tin rằng Việt Nam có những yếu tố nền tảng để duy trì được mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực. Nếu như không có TPP, xu hướng thu hút vốn đầu tư, cải cách thị trường lao động, các yếu tố sản xuất và khu vực kinh tế Nhà nước vẫn phải tiếp diễn.

Tuy nhiên, khi làn sóng tự do hóa thương mại có nguy cơ đảo ngược, sự quyết liệt trong thay đổi các vấn đề nội tại (đơn cử là tái cấu trúc nền kinh tế hay cải cách môi trường kinh doanh) có nguy cơ thiếu áp lực và bị chậm lại. Với xu hướng bất ổn định gia tăng, RongViet Research cho rằng sự linh hoạt và tiến bộ trong chính sách điều hành là cần thiết trong năm tới để duy trì được sự ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong một báo cáo trước đó, RongViet Research dẫn báo cáo Triển vọng toàn cầu của World Bank cho biết Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định TPP. Ước tính của WB cho thấy, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 10% đến năm 2030 nhờ các lợi ích về thuế quan và cải cách thị trường lao động, tài chính, năng suất… mà hiệp định TPP mang lại. Không có TPP hoặc trì hoãn thời gian bắt đầu hiệu lực của TPP sẽ làm giảm đi động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ đi xuống.

Có thể nói, trong quá trình đàm phán TPP, Chính phủ đã thổi một làn gió mới vào quá trình thu hút vốn đầu tư, cải cách thị trường lao động, các yếu tố sản xuất và khu vực kinh tế nhà nước theo chiều hướng tích cực. Quá trình này đã và đang diễn ra và tiếp tục trong tương lai bất kể mức độ trì hoãn hoặc khả năng TPP thất bại xảy ra.

Về cải cách yếu tố thị trường (đặc biệt là yếu tố lao động) và nâng cao năng suất của nền kinh tế, RongViet Research cho rằng không gian dành cho tăng trưởng và cải thiện yếu tố năng suất của Việt Nam vẫn còn cho dù không có TPP.

viet nam se ra sao neu khong co tpp
Bảng: GDP và năng suất lao động theo ngành (2010-2015)
Nguồn: GSO, RongViet Research

Tuy nhiên, tăng trưởng trong hoạt động sản xuất công nghiệp phần nào giải thích sự cải thiện của năng suất lao động chung trong năm 2015. Kỳ vọng sản xuất công nghiệp ổn định sẽ bảo đảm cho tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế nói chung, ngoài ra, việc Chính phủ đặt trọng tâm thúc đẩy các ngành nghề lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, …) cũng giúp cải thiện năng suất lao động.Theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2015 ước tăng 6,4% so với năm 2014, cao hơn tăng trưởng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,2%/năm. Số liệu thống kê năng suất lao động theo từng ngành nghề năm 2015 chưa được công bố.

Cuối cùng, cơ hội cho Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại kiểu mới (tương tự như TPP là RCEP) và các hiệp định thương mại song phương với các thành viên trong nhóm nước TPP vẫn còn rộng mở. Đương nhiên, việc ký kết hiệp định song phương có lẽ là kế hoạch dự phòng ít mong muốn nhất của các nước thành viên sau quá trình kéo dài rất nhiều năm mà đàm phán TPP đã trải qua.

Tựu chung lại, TPP nếu được Chính phủ các nước thành viên (bắt buộc phải có Mỹ) thông qua trước thời hạn 5/4/2018 sẽ là kịch bản tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Ngược lại, nếu TPP thất bại, rủi ro đối với nền kinh tế không phải là quá lớn, dựa trên những diễn biến nội tại đang xảy ra.

Khổng Chiêm