|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn nông sản từ Ấn Độ

17:37 | 09/02/2022
Chia sẻ
Trong năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu kỷ lục hơn 800.000 tấn gạo và một lượng lớn ngô, hạt điều từ Ấn Độ. Nguồn cung dồi dào, giá cả cạnh tranh và vận chuyển thuận lợi là những yếu tố giúp nông sản Ấn Độ thu hút các nhà nhập khẩu Việt Nam.

Gạo Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam

Trong năm 2021 Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 21,4 triệu tấn gạo ra thị trường thế giới, tăng 45,6% so với năm 2020 và nhiều hơn của cả 3 nước xuất khẩu lớn tiếp theo là Việt Nam, Thái Lan và Pakistan cộng lại, số liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.

Đáng chú ý, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Việt Nam đã nhập khẩu khối lượng gạo lớn chưa từng có từ Ấn Độ trong năm 2021 với 814.216 tấn, tăng tới 17 lần so với chỉ 46.700 tấn của năm 2020.

Với mức tăng trưởng này, Việt Nam xếp thứ 9 về khối lượng và thứ 11 về trị giá trong số các nước nhập khẩu gạo lớn nhất từ Ấn Độ trong năm 2021.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ, dùng trong sản xuất công nghiệp hoặc thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Việt Nam thường nhập khẩu một khối lượng gạo từ nước láng giềng Campuchia. Những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu không quá 5.000 tấn gạo Ấn Độ mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm 2020, Ấn Độ bắt đầu tăng khối lượng gạo xuất khẩu sang Việt Nam lên gần 50.000 tấn, và năm 2021 đã vượt 800.000 tấn. Giá gạo Ấn Độ rẻ được cho là lý do chính của hiện tượng này.

Năm 2021, giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đạt bình quân 323 USD/tấn, giảm 3,3% so với năm 2020 và thấp hơn 204 USD/tấn so với mức giá xuất khẩu bình quân 527 USD/tấn của Việt Nam ra thế giới.

Cùng với giá cạnh tranh, gạo của Ấn Độ còn được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với gạo 5% tấm và 100% tấm từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, nên các doanh nghiệp tăng mạnh lượng gạo nhập khẩu từ thị trường này.

Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn nông sản từ Ấn Độ - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Nhập khẩu ngô và hạt điều từ Ấn Độ tăng phi mã

Ngoài mặt hàng gạo, Việt Nam cũng nhập khẩu khá nhiều điều thô và ngô từ Ấn Độ. Cụ thể, Việt Nam là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2021 với khối lượng 26.458 tấn, cao nhất trong hơn 10 năm qua, tăng 65,8% so với năm 2020; tương ứng trị giá 35,75 triệu USD, tăng 56,4%.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ điều thô nguyên liệu chưa tách vỏ nhằm phục vụ ngành chế biến trong nước.

Đối với mặt hàng ngô, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng hơn 1,1 triệu tấn ngô từ Ấn Độ trong năm 2021, tăng 198 lần so với năm 2020 và là mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Cùng với Bangladesh, hiện Việt Nam đang là thị trường nhập khẩu nhiều ngô nhất từ Ấn Độ.

Theo Thehindubusinessline, thông thường giá ngô của Ấn Độ không cạnh tranh được với giá của các nhà xuất khẩu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2021 giá ngô toàn cầu ở mức cao do sản lượng của Brazil giảm mạnh bởi hạn hán và lượng dự trữ ở Mỹ giảm, điều này đã khiến ngô Ấn Độ trở thành một lựa chọn tốt trên thị trường toàn cầu.

Tình trạng thiếu container và giá cước vận chuyển tăng đột biến cũng tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ đáp ứng nhu cầu lớn của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nhờ có lợi thế về giá.

Trong năm 2022, nhập khẩu ngô của Việt Nam từ Ấn Độ nhiều khả năng vẫn ở mức cao do sản lượng ngô của một số nhà cung cấp lớn tại Nam Mỹ tiếp tục sụt giảm do thời tiết bất lợi, trong khi giá cước vận chuyển chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên nhập khẩu gạo sẽ thấp hơn, USDA dự báo nhập khẩu của Việt Nam giảm 1,2 triệu tấn trong năm 2022, xuống còn 0,6 triệu tấn so với khối lượng lớn bất thường 1,8 triệu tấn của năm ngoái do giảm nhập khẩu từ Ấn Độ.

Tăng kiểm tra, giám sát, chống gian lận xuất xứ mặt hàng gạo

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam tuy là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng cũng nhập khẩu lượng lớn nông sản về chế biến. 

Với mặt hàng gạo, Việt Nam đang hướng đến sản xuất những loại gạo thơm, chất lượng cao thì loại gạo phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ thiếu hụt, trong khi gạo Ấn Độ giá rẻ hơn nên các doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu từ thị trường này.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu khối lượng lớn với mức tăng đột biến cũng tiềm ẩn những nguy cơ về tình trạng gian lận thương mại và gây xáo trộn thị trường trong nước. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu đã được các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh trong thời gian qua.

Thời điểm gạo Ấn Độ ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021, thông tin từ cơ quan Hải quan có một số công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ.

Cuối tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu gạo đối với 5 doanh nghiệp trong ngành. 

Ngay sau đó nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam đã giảm rõ rệt xuống còn 200.000 tấn trong 6 tháng cuối năm so với 600.000 tấn trong nửa đầu năm 2021.

Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn nông sản từ Ấn Độ - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng gạo, nhằm phòng chống gian lận xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp đối với mặt hàng gạo nhập khẩu từ các thị trường sau đó xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu đi các thị trường khác.

Trong quá trình kiểm tra kết quả nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Các đơn vị tăng cường thu thập thông tin, rà soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gạo trên địa bàn quản lý; đánh giá, phân tích thông tin để xác định các dấu hiệu rủi ro và các doanh nghiệp rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định.

Đồng thời, phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan để triển khai các biện pháp kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan và kiểm soát chống buôn lậu.

Hoàng Hiệp