|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam linh động chiến lược chặn COVID-19, chuỗi cung ứng Đông Nam Á có thể ít bị tổn thương hơn

17:11 | 07/12/2021
Chia sẻ
Với tỷ lệ phủ vắc xin ngày càng tăng cùng việc chuyển hướng sang "sống chung với COVID-19", các chuyên gia kinh tế cho rằng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á sẽ ít bị tổn thương bất chấp lo ngại biến chủng Omicron có nguy cơ lan ra toàn cầu.

Làn sóng dịch bệnh do biến chủng Delta hoành hành khắp Đông Nam Á từ thời điểm mùa hè đã gây nên những hậu quả nặng nề tới chuỗi cung ứng thế giới, làm gián đoạn sản xuất từ chất bán dẫn đến giày thể thao, tăng giá mọi loại hàng hóa cho người tiêu dùng phương Tây, theo The Wall Street Journal.

Mối lo ngại về biến chủng Omicron

Đến nay, các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Malaysia đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng mới của dịch COVID-19 khi biến chủng Omicron có nguy cơ lan ra toàn cầu.

Việt Nam và Thái Lan cùng nhiều quốc gia khác đã linh động hơn trong chiến lược ngăn chặn đại dịch để thúc đẩy nền kinh tế. Động thái này được hỗ trợ bởi các chiến dịch tiêm chủng quốc gia, giúp độ phủ vắc xin tăng lên nhanh chóng.

Chuỗi cung ứng Đông Nam Á vững chãi bất chấp quan ngại về biến chủng Omicron - Ảnh 1.

Biến chủng Omicron khiến nhiều người lo ngại về làn sóng dịch mới. (Ảnh minh họa: AFP).

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chủ doanh nghiệp vẫn thận trọng trước thông tin về biến chủng Omicron. Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu về biến chủng này bao gồm cả khả năng lây lan và độc lực của nó.

Bên cạnh đó, họ cũng đang cố gắng xác định liệu có hay không khả năng chủng virus mới này có thể tránh được các loại vắc xin hiện có, dù vậy, một số nhà khoa học tin rằng những loại vắc xin này vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ.

Biến chủng mới xuất hiện khi các điều kiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang được cải thiện, song vẫn phải đối mặt với những thách thức.

Nhiều nhà máy đã được mở cửa trở lại trong nhiều tháng qua trên khắp Đông Nam Á, giúp giảm bớt một phần áp lực lớn cho các công ty phương Tây, tuy vậy, tình trạng thiếu lao động tiếp tục hạn chế sản xuất ở các nước như Việt Nam và Malaysia.

Các nhà máy trong khu vực cũng đang phải đối mặt với các việc tăng giá cước và tình trạng thiếu nguyên liệu thô. Điều đó làm tăng giá cả và thời gian nhận hàng lâu hơn cho người tiêu dùng phương Tây.

Chuỗi cung ứng ít bị tổn thương trước Omicron nhờ chuyển hướng thích ứng với đại dịch

Tuy nhiên, các công ty vẫn hy vọng rằng biến chủng Omicron sẽ không làm mọi thứ trở lại quãng thời gian tồi tệ trước đây. Một trong những nhân tố giúp chuỗi cung ứng ít bị gián đoạn hơn bởi bất kỳ đợt lây nhiễm nào trong tương lai chính là việc các quốc gia chuyển hướng sang thích ứng với đại dịch, điển hình như Việt Nam.

Để ngăn chặn việc gia tăng số ca nhiễm trong đợt dịch COVID-19 thứ 4, Việt Nam đã phải tiến hành đóng cửa các nhà máy tại các "thủ phủ" công nghiệp phía Nam hoặc yêu cầu giảm số lượng công nhân trong khoảng 2,5 tháng, gây ra sự gián đoạn lớn cho các công ty may mặc, nội thất và giày dép.

Chuỗi cung ứng Đông Nam Á vững chãi bất chấp quan ngại về biến chủng Omicron - Ảnh 2.

Bất chấp số ca nhiễm tăng cao trong thời gian gần đây, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. (Ảnh minh họa: AFP).

Tuy vậy, việc đạt được mục tiêu "zero-COVID" là một điều không tưởng, vào cuối tháng 9, Việt Nam đã chính thức từ bỏ chính sách này và bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Đến thời điểm đầu tháng 10, nhiều nhà máy đã chính thức được hoạt động bình thường trở lại.

Cho đến nay, bất chấp việc ghi nhận khoảng 14.000 ca/ngày - gần bằng với lúc cao điểm mùa hè, song Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp cho biết ngay cả khi ghi nhận một số công nhân có kết quả dương tính với COVID-19, các nhà máy vẫn có thể tiếp tục hoạt động sản xuất một các bình thường.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam cũng được đẩy mạnh, đến nay, khoảng 55% người dân được tiêm chủng đầy đủ và khoảng 75% được tiêm chủng ít nhất một mũi. Số ca tử vong do COVID-19 trung bình mỗi ngày trong những tuần gần đây chỉ bằng một nửa so với đầu tháng 9. Với biến chủng Omicron, Chính phủ vẫn đang giám sát chặt chẽ.

Chuỗi cung ứng Đông Nam Á vững chãi bất chấp quan ngại về biến chủng Omicron - Ảnh 3.

Chất bán dẫn tại một nhà máy đóng gói chip ở Ipoh, Malaysia. (Ảnh: Reuters).

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Malaysia, nơi đã tiến hành việc đóng cửa nghiêm ngặt vào đầu mùa hè làm gián đoạn các lĩnh vực sản xuất chủ chốt, thậm chí ảnh hưởng đến sản xuất trong ngành bán dẫn quan trọng toàn cầu. Hiện khoảng 78% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu.

Ông Tan Thian Poh - một chủ nhà máy ở Malaysia và là Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao như hiện nay sẽ tránh được các đợt giãn cách trên diện rộng. "Chúng tôi không thể chịu được thêm một đợt đóng cửa nào nữa", ông chia sẻ.

Theo các quan chức Chính phủ Malaysia, còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn về biến chủng mới nhưng họ cũng không muốn phản ứng quá mức.

"Chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng, phản ứng của chúng tôi phải tương xứng với rủi ro. Hiện vẫn chưa biết hết mức độ rủi ro của biến chủng này", Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, cho biết vào tuần trước.

Omicron vẫn có thể gây ra một số tác động tới chuỗi cung ứng

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, biến chủng Omicron vẫn có thể gây ra một số vấn đề cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các lệnh hạn chế biên giới mới có thể kéo dài thời gian quay trở lại của lao động nước ngoài đến các quốc gia châu Á, làm giảm sản lượng của các nhà máy.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lo ngại rằng, những lao động nhập cư trở về quê trong thời gian cao điểm của đại dịch sẽ ít có khả năng quay trở lại thành phố hơn nếu biến chủng mới làm số ca nhiễm gia tăng thêm hoặc khả năng thắt chặt hạn chế đi lại trong nước.

Theo khảo sát ngày 12/10 của Tổng cục Thống kê cho thấy trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%.

Trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%), Bình Phước (34,4%) và TP HCM là 31,8%.

Trước mắt, nhiều nhà kinh tế và phân tích cho rằng, chính phủ các nước Đông Nam Á như Việt Nam hay Malaysia sẽ tìm cách tránh đi đến giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Theo nhận định của ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics: "Cả Việt Nam và Malaysia đều quyết định thích nghi với COVID-19".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.