|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

14:35 | 08/11/2023
Chia sẻ
Việt Nam sẽ vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong giai đoạn 2023-2025, theo báo cáo e-Conomy SEA do Google, Temasek và Bain & Company công bố.

Tốc độ tăng trưởng nhanh

Theo báo cáo chung của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng, giữ vững vị thế quốc gia tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực.

Dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam là 20% trong giai đoạn 2023 - 2025. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia khác trong báo cáo gồm Thái Lan (17%); Indonesia (15%), Malaysia (14%), Singapore (13%).

 Các tài xế giao hàng chờ đợi đồ để giao cho khách. (Ảnh: Thành Vũ).

Bất chấp những khó khăn kinh tế vĩ mô toàn cầu, tổng giá trị hàng hóa (GMV) trên môi trường kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025 (thấp hơn so với con số 49 tỷ USD được báo cáo này dự báo vào năm ngoái), cao thứ ba trong khu vực, sau Indonesia (109 tỷ USD) và Thái Lan (49 tỷ USD).

Những ngành đóng góp chính cho nền kinh tế số của Việt Nam bao gồm thương mại điện tử (tăng trưởng 22% đạt 24 tỷ USD), du lịch trực tuyến (tăng 21% lên 7 tỷ USD) và truyền thông trực tuyến (tăng 15% lên 7 tỷ USD).

Báo cáo năm nay đánh giá ngành game, đặc biệt là game trên thiết bị di động của một số nhà phát triển Việt Nam đã có được thành công trên thị trường quốc tế. Game cũng là lĩnh vực chứng kiến mức chi tiêu của người dùng cao nhất, xếp sau là vận tải, thương mại điện tử và giao đồ ăn.

Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư cần các công ty chứng minh con đường rõ ràng dẫn đến lợi nhuận. Điều này kéo theo nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số chuyển trọng tâm từ mở rộng quy mô sang các mục tiêu có lãi.

 Đầu tư cho kinh tế số ở Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ ở năm 2021.(Nguồn: Google, Temasek, Bain & Company).

Xuất hiện các dịch vụ số mới

Báo cáo nhấn mạnh sự phổ biến ngày càng tăng của thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam, vốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và đầu tư từ các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. 

Tiền mặt không còn là vua vì thanh toán kỹ thuật số giờ đây đã chiếm lĩnh hơn 50% giao dịch trong khu vực. Lãi suất cao là yếu tố thuận lợi cho hoạt động gửi tiền và quản lý tài sản nhưng lại gây ra thách thức trong việc cho vay.

Các mô hình kinh doanh bền vững đang nổi lên trong lĩnh vực fintech, trong khi các công ty tài chính truyền thống đang đẩy nhanh quá trình số hóa để giữ chân người dùng.

Tại Việt Nam, ngoại trừ năm 2021 bùng nổ, các dịch vụ tài chính số vẫn chứng kiến lượng tiền đầu tư lớn vào lĩnh vực này đều đặn qua từng năm.

Bên cạnh các lĩnh vực chính của nền kinh tế số, các lĩnh vực mới nổi như healthtech (công nghệ y tế); edtech (công nghệ giáo dục), deeptechAI, Web3 Crypto,... cũng ghi nhận mức độ quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Trong nửa đầu năm 2023, lượng tiền đầu tư cho nhóm này chiếm đa số dòng vốn rót cho nền kinh tế số Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư ở Đông Nam Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, do áp lực lãi suất và các biến động toàn cầu. Các quỹ đặt trọng tâm trong việc hoàn vốn cho nhà đầu tư. Báo cáo chỉ ra rằng các quỹ trong khu vực đã hoàn vốn cho nhà đầu tư ít hơn so với những nơi khác.

Để vượt qua mùa đông gọi vốn, các công ty cần chứng minh khả năng đạt lợi nhuận và cơ hội thoái vốn hiệu quả cho nhà đầu tư.

Thùy Trang