|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam là mảnh đất tiềm năng cho mạng di động ảo, nhưng không ai có thể dự đoán khả năng thành công

15:41 | 04/06/2020
Chia sẻ
Châu Á Thái Bình Dương là khu vực tiềm năng với các công ty kinh doanh mạng di động ảo (MVNO), nhưng các doanh nghiệp cần nhiều điều kiện để tránh thất bại.

Mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator - MVNO) là khái niệm ra đời từ rất lâu trên thế giới. Về bản chất, một công ty viễn thông sẽ luôn có những phần dung lượng mạng mà họ hiếm khi sử dụng. Để có thêm doanh thu, một số công ty viễn thông sẽ bán phần dung lượng dư cho công ty kinh doanh MVNO.

Các công ty kinh doanh MVNO sẽ thuê lại phần dung lượng với giá sỉ, sau đó bán cho khách hàng giới giá bán lẻ. Lợi nhuận của công ty kinh doanh MVNO sẽ là phần chênh lệch giữa hai mức giá.

Với công ty kinh doanh mạng di động ảo, việc thuê lại một phần hạ tầng của các công ty viễn thông sẽ giảm đáng kể rào cản khi bước vào thị trường vì không phải bỏ ra hàng nghìn tỉ để xây dựng cơ sở vật chất.

Việt Nam là mảnh đất tiềm năng cho mạng di động ảo, nhưng không phải cứ làm là thành công - Ảnh 1.

Nhóm 8 nước có nhiều nhà mạng ảo nhất thế giới, theo khảo sát năm 2018 của WeConnectThailand. Ảnh: PNR

Thậm chí để tiết kiệm chi phí, một số công ty MVNO thậm chí không phát hành SIM mà hoạt động gần giống "đại lí bán lẻ" cua nhà mạng thật. Ở chiều ngược lại, một số nhà mạng ảo cũng đóng góp cơ sở hạ tầng cho nhà mạng thật. Tất cả phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên đối tác.

Tháng 6/2014, nghiên cứu của Gsmaintelligence cho thấy toàn thế giới có 943 nhà mạng ảo. Tới năm 2018, thống kê khác tại 79 quốc gia cho thấy có khoảng 1.300 MNVO tại các nước mà họ khảo sát.

Cũng trong khảo sát năm 2018, Mỹ là quốc gia có nhiều MVNO nhất với 139 nhà mạng ảo. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đức và Nhật Bản. Nhóm 8 nước hàng đầu còn bao gồm Anh, Tây Ban Nha, Australia, Đan Mạch và Pháp. Tất cả đều là những quốc gia phát triển.

Việt Nam là mảnh đất tiềm năng cho mạng di động ảo, nhưng không phải cứ làm là thành công - Ảnh 2.

Mobilecast khẳng định công ty không chạy theo cuộc đua về giá để thu hút khách hàng. Ảnh: Vietnamnet.

Hôm 3/6, thị trường Việt Nam chào đón mạng di động ảo mang tên Reddi với đầu số 055. Công ty chủ quản của Reddi là Công ty Cổ phần Mobicast và là nhà mạng thứ ảo thứ hai tại Việt Nam, sau Đông Dương Telecom. Đại diện Mobicast khẳng định hãng sẽ không chạy theo cuộc chiến về giá để lôi kéo khách hàng.

Trên thực tế, từ những năm trước châu Á - Thái Bình Dương đã là một trong những mảnh đất màu mỡ với thị trường MVNO. Theo dự báo của WeConnectThailand, tốc độ tăng trưởng trung bình năm ở thị trường MVNO trong khu vực là 10%, một con số đáng kể.

Việt Nam cũng có những yếu tố thuận lợi để trở thành một môi trường tốt cho các công ty kinh doanh MVNO. Tổng số thuê bao di động nội địa lên đến 126 triệu. Việt Nam cũng là một trong 15 thị trường smartphone lớn nhất thế giới.

Dẫu vậy, không phải mọi MVNO đều thành công. Nhiều dự án tương tự đã xuất hiện nhưng cuối cùng thất bại hoặc chìm vào quên lãng.

Một trong những dự án MVNO nổi tiếng trên thế giới là Disney Mobile ra mắt vào tháng 6/2006. Hai công ty Mobile ESPN và Disney Mobile đã đầu tư tất cả 150 triệu USD vào dự án rất được kì vọng. 

Ban đầu, Disney Mobile hướng tới nhóm đối tượng là các bậc phụ huynh muốn giám sát con cái từ xa. Thế nhưng sau khi ra đời, các nhà mạng lớn cũng triển khai dịch vụ tương tự. Vì thế chỉ 18 tháng sau khi xuất hiện, Disney Mobile đã ngừng hoạt động và gần như không ai nhắc tới nó nữa.

150 triệu USD không phải là con số lớn nếu đặt cạnh tương quan số tiền mà Helio phải bỏ ra. Theo The Verge, nhà mạng ảo Helio đã đầu tư 560 triệu USD để thuê lại một phần  dung lượng từ nhà mạng Sprint và triển khai MVNO. Thế nhưng cũng chỉ mất 2 năm (2006-2008), Helio cũng không bắt kịp xu thế smartphone và nhanh chóng "bật bãi".

Thời điểm 2015, Reuters đưa tin hãng điện thoại XiaoMi sẵn sàng cho việc triển khai kinh doanh MVNO nhằm cạnh tranh với các nhà mạng quốc dân tại Trung Quốc. Tuy nhiên cho tới hiện tại, những thông tin về mạng di động ảo của XiaoMi không còn xuất hiện quá nhiều.

Việt Nam là mảnh đất tiềm năng cho mạng di động ảo, nhưng không phải cứ làm là thành công - Ảnh 3.

Google cũng kinh doanh mạng di động áo với "Project Fi". Ảnh: Google.

Google, một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, triển khai mạng di động ảo từ năm 2015 sau khi thuê hạ tầng của T-Mobile. Mạng di động ảo của Google có tên tên là Project Fi, sau đổi tên thành Google Fi. 

Thời điểm đó, Google Fi đưa ra chính sách hoàn tiền nếu khách không sử dụng hết dung lượng đã đăng kí. Chính vì thế nhiều người kì vọng dự án của Google sẽ là một cuộc cách mạng trong ngành MVNO.

Hiện tại, Google Fi vẫn đang hoạt động tại Mỹ và một số nước khác. Google không công bố mức đóng góp của dự án này vào thành công của tập đoàn, song nhiều người không coi đây là một dự án thành công. Từ khóa "Google Fi" trên Google hiện tại chỉ trả về hơn 36.000 kết quả, một con số khiêm tốn với tầm vóc của Google.

Tiểu Phượng