|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam được kỳ vọng là một trong những cái nôi sản sinh ra các startup kỳ lân mới

07:09 | 02/12/2021
Chia sẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, Đông Nam Á đã có tổng cộng 27 startup vươn mình trở thành những kỳ lân (công ty được định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

Cùng với Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á dường như đang thiết lập một hệ sinh thái mới dành cho startup khi Trung Quốc đang thắt chặt các quy định đối với những công ty công nghệ hàng đầu.

Tờ Asia Nikkei tổng hợp số liệu từ DealStreetAsia cho thấy tính tới ngày 12/10, có tới 15 startup tại khu vực Đông Nam Á được các nhà đầu tư mạo hiểm tài trợ đã thành công trong việc gây quỹ, đạt mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên, qua đó trở thành kỳ lân.

Kể từ khi Lazada, tập đoàn có trụ sở tại Singapore trở thành kỳ lân đầu tiên tại Đông Nam Á năm 2013, đã có thêm 18 startup khác vươn mình trở thành kỳ lân, tính đến cuối năm 2020. Con số kỳ lân mới trong khu vực đã tăng nhanh trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số kỳ lân trong khu vực đã đạt con số 27, nhưng vẫn kém khá xa so với con số 50 tại Ấn Độ.

Nền kinh tế số càng phát triển, Đông Nam Á càng có thêm cơ hội sản sinh ra kỳ lân mới, tiệm cận số lượng với Ấn Độ - Ảnh 1.

Lazada là kỳ lân đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Sự gia tăng số lượng kỳ lân đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu mới của họ với giá cao hơn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam Á và Ấn Độ đang thực hiện một cuộc đua tranh song song trong việc thu hút đầu tư vào startup.

Số tiền mà các startup Đông Nam Á huy động được trong 9 tháng đầu năm từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác đạt tổng cộng 17,2 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so vơi scon số 8,5 tỷ USD trong cả năm ngoái.

Trong khi đó, các startup Ấn Độ đã thu hút khoảng 24 tỷ USD đầu tư trong cùng kỳ, cao gần gấp đôi con số 12,4 tỷ USD cho cả năm 2020, theo PitchBook Data. Cả hai con số trong 9 tháng đầu năm tại hai khu vực đều là kỷ lục mới.

Cả Đông Nam Á và Ấn Độ đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Điều quan trọng, đây là động lực chính thúc đẩy sự thâm nhập và phổ biến của điện thoại di động và interne. Tuy đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số trên toàn cầu, nhưng những dấu ấn tại khu vực Đông Nam Á là đặc biệt ấn tượng.

Theo một báo cáo gần đây của Facebook và Bain, 6 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã có thêm khoảng 70 triệu "người tiêu dùng kỹ thuật số mới" kể từ khi đại dịch bùng phát, qua đó nâng tổng số người tiêu dùng kỹ thuật số lên 350 triệu.

Người tiêu dùng kỹ thuật số được định nghĩa là những người mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Tỷ lệ thâm nhập internet đã tăng từ 64% lên 78% đối với người dùng từ 15 tuổi trở lên.

Con số này cao hơn so với khoảng 150 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số của Ấn Độ, những người có thu nhập trung bình thấp hơn khu vực Đông Nam Á. Nói cách khác, nền kinh tế bán lẻ trực tuyến tổng hợp tại Đông Nam Á lớn hơn so với Ấn Độ.

Sẽ có thêm kỳ lân được sinh ra từ khu vực Đông Nam Á

Akshay Bhushan, đối tác quỹ mạo hiểm Lightspeed Venture Partners chia sẻ: "Tôi đã chứng kiến quá tình số hóa gia tăng nhanh chóng đối với các doanh nghiệp nhỏ ở Ấn Độ và sau đó là Đông Nam Á, và bây giờ hai khu vực đang phát triển song song"

Trên thực tế, 6 trong số 15 kỳ lân mới ở Đông Nam Á là các công ty B2B, như những nhà cung cấp dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử và dịch vụ cổng thanh toán di động cho các nhà bán lẻ.

Sự gia tăng số lượng kỳ lân cũng chỉ ra sự gia tăng mức định giá của các công ty nói chung. Joonpyo Lee, Giám đốc điều hành Softbank Ventures Asia, nhận thấy sự gia tăng những nguồn vốn sẵn có, cho phép các startup Đông Nam Á đặt mục tiêu vươn ra toàn châu Á và thậm chí toàn cầu.

"Ngày nay không có gì bất ngờ khi một công ty khởi nghiệp Đông Nam Á vươn ra toàn châu Á hoặc toàn cầu", ông Lee cho biết.

Một yếu tố khác được quan tâm là sự thắt chặt các quy định của chính quyền Trung Quốc đối với các công ty công nghệ lớn, khiến nhiều nhà đầu tư toàn cầu tạm dừng và cân nhắc lại về những rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư vào những công ty tại thị trường tỷ dân.

Ngoài ra, sự căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, khiến nhiều công ty công nghệ và liên doanh của Trung Quốc chuyển sự chú ý từ các công ty khởi nghiệp Ấn Độ sang các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á.

"Ngoài những yếu tố chính trị quốc tế đó, bản thân khu vực Đông Nam Á cũng đang bước vào thời kỳ quan trọng", ông Bhushan cho biết, đồng thời cũng chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp từ những câu chuyện thành công của kỳ lân đối với startup mới.

"Các nhà lãnh đạo trẻ ngày nay đã chứng kiến những câu chuyện thành công trước đó của Sea hay Grab. Những câu chuyện đó trở thành động lực cho những nhà lãnh đạo trẻ trong khu vực, qua đó đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp". Có vẻ như sẽ có nhiều "kỳ lân tiếp theo" được sinh ra từ khu vực Đông Nam Á.

Quốc Anh