|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Việt Nam đang làm gì để phục hồi thị trường bất động sản?

14:20 | 07/02/2023
Chia sẻ
Nhiều tín hiệu cho thấy những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đang được Chính phủ quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ. Mặc dù chưa có những tác động rõ rệt, song kỳ vọng đây sẽ là điều kiện để ngành địa ốc sớm phục hồi.

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Đầu tư vào bất động sản trong năm 2022 tại Trung Quốc thấp hơn 10% so với năm 2021, mức giảm đầu tiên kể từ khi ghi nhận số liệu này vào năm 1999, và doanh số bán bất động sản giảm mạnh nhất kể từ năm 1992.

Đến nay đã gần hai năm kể từ khi nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu siết tín dụng với lĩnh vực bất động sản, khiến thị trường lao dốc nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chính phủ nước này đã cho thấy nỗ lực để vực dậy trụ cột chính của nền kinh tế.

Tháng 11/2022, kế hoạch 16 điểm nhằm "giải cứu" thị trường bất động sản đã được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng - Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) tung ra. Trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ người mua nhà và các nhà phát triển. Ngay sau đó, 6 ngân hàng quốc doanh lớn của nước này đưa ra thông báo sẽ bơm 140 tỷ USD vào thị trường,…

Đến tháng 1/2023, các nhà quản lý tài chính và công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc China Huarong Asset Management Co. đưa ra kế hoạch cung cấp khoản hỗ trợ tái cấp vốn với tổng giá trị lên tới 160 tỷ nhân dân tệ (khoảng 24 tỷ USD) cho các nhà phát triển bất động sản (chất lượng tốt) trong quý I/2023, theo Bloomberg.

Theo thông tin ban đầu, PBOC sẽ cung cấp khoản vay trị giá 80 tỷ nhân dân tệ thông qua China Huarong Asset Management Co. và các công ty cùng ngành cho các nhà phát triển với lãi hàng năm là 1,75%. Những công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ được khuyến khích vay khoản tiền tương ứng với khoản tiền mặt dự trữ của mình.

Khoản vay này nằm ngoài một loạt các biện pháp hỗ trợ được ban hành hồi tháng 11 năm ngoái. Và điều này cho thấy chính quyền Trung Quốc đang có những động thái quyết liệt hơn để vực dậy ngành địa ốc.

Tại Việt Nam, thị trường bất động sản cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh kể từ giữa năm 2022 đến nay. Việc không tiếp cận được nguồn vốn khiến áp lực trả nợ của nhiều chủ đầu tư gia tăng. Một số doanh nghiệp địa ốc đã phải tái cấu trúc nợ bằng cách xin gia hạn trái phiếu, hoán đổi trái phiếu bằng bất động sản, cổ phiếu,… hoặc thu hẹp quy mô đầu tư, sa thải bớt nhân sự,…

Trong bối cảnh này, có nhiều động thái trong thời gian vừa qua cho thấy Chính phủ đã vào cuộc nhằm hỗ trợ thị trường.

Liên tiếp những chỉ đạo và những cuộc họp

Vào sáng 8/11/2022, Chính Phủ và Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cuộc họp có sự tham gia của 19 Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phía Nam và tại đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của khoảng 15 đại diện các doanh nghiệp.

Sau cuộc họp này, ngày 17/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Quyết định này được đánh giá làm tăng niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường địa ốc.

Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ký liên tiếp ba Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Cuối tháng 1/2023, Thủ tướng ký Chỉ thị số 03 yêu cầu NHNN rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,…

Tại phiên họp thường kỳ ngày 2/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng cũng cho biết sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này ngay trong tháng 2.

Về phía Ngân hàng nhà nước (NHNN), ngày 5/12/2022, nhà điều hành đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% (tương đương khoảng 240.000 tỷ đồng) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thông tin tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới sẽ có giải pháp về tín dụng giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.

"NHNN dự định sẽ có các diễn đàn về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án,... làm sao phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để đóng băng", ông nói.

Đúng như tinh thần này, ngày 6/2/2023, NHNN đã tổ chức cuộc họp khẩn để nghe báo cáo về tình hình vốn cho thị trường bất động sản. Cuộc họp này nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để NHNN chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sắp tới.

Theo một nguồn tin, sáng mai (8/2), NHNN sẽ tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại trụ sở ở Hà Nội. Sự kiện này có sự tham gia của một số doanh nghiệp địa ốc.

Hà Lê