Việt Nam đã thiết lập được hệ thống phòng ngừa từ xa phế liệu nhập?
Trong khi cơ quan quản lý đã "thiết lập được hệ thống phòng ngừa từ xa", rác phế liệu nhập lậu vẫn tiếp tục tràn vào Việt Nam - Ng.Ng |
Theo đó, Bộ TN-MT đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện thanh kiểm tra rà soát và tìm một số giải pháp khắc phục, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trong Chỉ thị 27 của Thủ tướng, Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ xem xét công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trước đó, ngày 26.12, Bộ này cũng đã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Trong dự thảo, có 13 loại phế liệu được kiến nghị giảm cho nhập, loại ra khỏi danh mục do nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Ngoài ra, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu cũng đã được Bộ này ban hành, gồm: Phế liệu sắt, thép; phế liệu nhựa; phế liệu giấy; phế liệu kim loại màu; phế liệu hạt lò cao.
Thông tin từ Bộ TN-MT, từ ngày 7.8, cơ quan này đã dừng xem xét, cấp giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27. Chỉ cấp phép cho những doanh nghiệp có nhu cầu nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Ngoài ra, các bộ ngành khác như Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo cơ quan hải quan “soi” kỹ các trường hợp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, phải đầy đủ thông tin giấy xác nhận do Bộ TN-MT cấp còn hiệu lực. Bộ Tài chính đồng thời ngưng cho phép nhập khẩu phế liệu đối với hàng tạm nhập tái xuất. Còn Bộ Công thương chỉ đạo chỉ cho nhập phế liệu dùng làm sản xuất qua đường biển… Từ một số giải pháp trên, theo Tổng cục Môi trường, Việt Nam đã có biện pháp phòng vệ từ xa đối với phế liệu nhập khẩu qua việc phối hợp giữa các bộ, ngành…
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, thông tin từ Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, việc lấy mẫu kiểm tra phế liệu nhập khẩu vào cảng biển của đơn vị này đang gặp nhiều vướng mắc do quy định lấy mẫu và thông báo của cơ quan kiểm tra chuyên ngành với hải quan còn chồng chéo, kéo dài thời gian khiến hàng phế liệu tồn tại cảng ngày càng nhiều. Với các thủ tục lấy mẫu, kiểm tra chuyên ngành, ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập này, chỉ trong vòng gần 2 tháng (10-12.2018), riêng tại Chi cục Hải quan Cái Mép tồn đọng hơn 3.600 container sắt thép, giấy phế liệu nhập về sản xuất chưa được cơ quan quản lý môi trường kiểm tra, ra thông báo.
Liên quan đến xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng, theo Bộ TN-MT, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục cắt giảm áp lực hàng hóa tồn đọng tại cảng. Đặc biệt với những lô hàng phế liệu tồn đọng quá 90 ngày và không tìm được chủ hàng, các bộ thống nhất kiểm tra, phân định và yêu cầu tái xuất đối với những lô hàng phế liệu đảm bảo yêu cầu thực hiện xử lý theo quy định pháp luật về môi trường và hải quan.
Tính đến nay, thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TN-MT và Cổng thông tin một cửa quốc gia, Bộ TN-MT đã cấp 206 giấy xác nhập cho các tổ chức cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, có 164 giấy xác nhận còn hiệu lực.