Việt Nam chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax cho Ấn Độ
Ngày 08/8/2021, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã diễn ra buổi ký kết Hợp đồng bảo mật (Non-Disclosure Agreement, NDA) giữa ông Yogendra Vekaria, CEO Vekaria Healthcare LLP (Ấn Độ) và ông Hồ Nhân, CEO Nanogen (Việt Nam) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax.
Việc ký thỏa thuận NDA sẽ là cơ sở để hai bên tiến tới thảo luận sâu hơn về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến việc thử nghiệm giai đoạn ba mở rộng, sản xuất, phân phối vắc xin Nanocovax quy mô lớn khi các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Với lợi thế về dân số và khoa học công nghệ, rất nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã phối hợp với Ấn Độ để nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm mới.
Đây là kết quả tiếp theo của "Nhóm phản ứng nhanh về Thuốc và Vắc xin" do Đại sứ Phạm Sanh Châu thành lập bao gồm Thương vụ, Phòng Khoa học công nghệ và cán bộ chủ chốt của Đại sứ quán.
Nhiệm vụ của nhóm gồm: khẩn trương mua thuốc Remdesivir, Molnupiravir, Favipiravir về hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong nước; vận động Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ máy tạo oxy và đàm phán với danh nghiệp Ấn Độ mua trang thiết bị Y tế cần thiết; triển khai thử nghiệm, mua và sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam và Ấn Độ.
Thứ 4 là tham mưu kinh nghiệm phòng chống COVID-19 và điều hành phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế vĩ mô cho chính phủ và cơ quan trong nước; cuối cùng là xúc tiến thành lập khu Công viên Dược phẩm tại Việt Nam…
Trước đó, đoàn công tác của Đại sứ quán và Thương vụ đã làm việc với hàng loạt các hãng dược phẩm lớn của Ấn Độ như Dr. Reddy, Bharat Biotech, Biological E, Laxai, Hetero, Granules India, KIM Hospital, Sunshine Hospital, Cipla, Hetero… để trao đổi về việc mua vắc xin, dược phẩm, thiết bị y tế điều trị COVID-19. Các doanh nghiệp Ấn Độ đã cam kết cung cấp 1 triệu liều Remdesivir, hiện từng lô hàng trong số này đang được vận chuyển về Việt Nam.
Đại sứ quán cũng đang xúc tiến thành lập khu công nghiệp "Công viên Dược phẩm" có quy mô khoảng 500 ha với vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD, với mong muốn tạo ra công ăn việc làm cho 50 nghìn lao động trực tiếp và 200 nghìn lao động gián tiếp và doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 5 tỷ USD.