|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam chi gần 9 tỷ USD cho nhập khẩu xăng dầu năm 2022

08:02 | 10/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022, Việt Nam chi gần 9 tỷ USD cho nhập khẩu xăng dầu, gấp gần 2,2 lần so với năm 2021. Bước sang năm 2023, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải tăng cường nhập khẩu mặt hàng này, bù đắp sản lượng khi nhà máy Nghi Sơn khắc phục sự cố, Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ.

Theo Tổng cục Hải quan trong tháng 12, nhập khẩu xăng dầu đạt hơn 944.000 m3, tương đương 822 triệu USD, tăng 23% về lượng và tăng 11% về giá trị so với tháng 11.

Tính chung năm 2022, nhập khẩu xăng dầu các loại về Việt Nam đạt gần 8,9 triệu m3, tương đương gần 9 tỷ USD, tăng 28% về lượng và gấp gần 2,2 lần về giá trị so với năm 2021.

Riêng trong tháng 12, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 871 USD/m3, giảm gần 10% so với tháng trước nhưng tăng 23% so với tháng 12/2021. Bình quân năm 2022, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.007 USD/m3, tăng 67% so với năm 2021.

 (Nguồn: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Dữ liệu hải quan cũng cho thấy trong năm 2022 Hàn Quốc là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam năm 2022.

Cụ thể, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc gần 3,2 triệu m3 xăng dầu, tương đương 3,4 tỷ USD, gấp đôi về lượng và gấp 3,5 lần về giá trị so với năm 2021. Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 1.050 USD/m3, tăng 72% so với năm 2021.

Bước sang năm 2023, một số doanh nghiệp vẫn lo ngại về nguy cơ rối loạn thị trường xăng dầu, đặc biệt khi nhà máy Nghi Sơn vừa gặp sự cố kỹ thuật, lọc dầu Bình Sơn có kế hoạch bảo dưỡng vào tháng 4-5 trong khi xăng dầu nhập khẩu mất hàng tháng mới về đến Việt Nam.

Theo đó, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết gặp sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt thấp tài sinh của phân xưởng RFCC và ngừng tạm thời phân xưởng để khắc phục, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15/1/2023.

Phân xưởng chế biến dầu thô và các phân xưởng công nghệ khác được duy trì hoạt động ở công suất thấp hơn kế hoạch trong thời gian sửa chữa này. Do đó, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 sẽ bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch. Dự kiến tháng 1/2023, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất và cung ứng ra thị trường 600.000 m3 xăng đầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện cơ quan này đã giao Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để nắm cụ thể tình hình thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp, phương án bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt do sự cố tại nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn.

 Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo ổn định thị trường trong nước. (Ảnh: Hoàng Anh)

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết bất cứ một sự cố kỹ thuật đột xuất nào ở các nhà máy lọc dầu sẽ ít nhiều ảnh hưởng thị trường trường xăng dầu.

“Như thông báo, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 sẽ bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến những đơn hàng của doanh nghiệp đầu mối, thị trường sẽ khan hàng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, các đơn hàng xăng dầu nhập khẩu đang về đúng tiến độ, bù đắp cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ngoài ra, nhà máy cũng đang gấp rút sửa chữa và hoạt động trở lại sớm nhất có thể”, ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Còn về hoạt động bảo dưỡng nhà máy của lọc dầu Bình Sơn, doanh nghiệp này đã có kế hoạch và thông tin đến Bộ Công Thương từ năm 2022, Bộ đã giao các doanh nghiệp đầu mối tìm kiếm thị trường và tăng nhập khẩu xăng dầu, đáp ứng nguồn cung cho giai đoạn nhà máy bảo dưỡng và cả năm 2023. 

Hoàng Anh