Việt Nam cần ít nhất 30,7 tỷ USD đến năm 2020 cho chiến lược tăng trưởng xanh
Ngân hàng trực tuyến: Lựa chọn yêu thích của người Việt | |
'Chìa khoá' nào mở cánh cửa phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam? |
Ngày 7/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị “Ngân hàng xanh hướng đến phát triển bền vững”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh vai trò quyết định của ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi kinh tế thông qua việc hướng các dòng vốn vào hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững, áp dụng những nguyên tắc quản trị rủi ro môi trường và xã hội chặt chẽ hơn trong hoạt động cấp tín dụng.
Để thực hiện điều này, các ngân hàng Việt Nam cần xác định rõ những trụ cột quan trọng của phát triển bền vững, hướng tiếp cận để thực hiện ngân hàng xanh, ngân hàng bền vững phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng là một kênh dẫn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc gia sang mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon và bền vững.
Cụ thể, theo chia sẻ của TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thì để phát triển tài chính bền vững NHHN cần tiếp tục ban hành các khuôn khổ chính sách về tài chính xanh, khuyến khích các ngân hàng cho vay ưu đãi đối với các dự án xanh; thường xuyên huy động các chương trình tài chính xanh quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Mai cũng cho rằng, việc cần thiết lập quỹ tài chính xanh để có thể tiếp cận các nguồn tài trợ quốc tế. Ngoài ra, các định chế tài chính cần được khuyến khích và có nghĩa vụ thiết lập các chính sách nội bộ về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, các chính sách về quản trị rủi ro và đặc biệt là báo cáo định kỳ theo chỉ thị số 03 của NHNN, hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh, thu hút các nhà đầu tư và tài trợ vốn cho các dự án xanh.
Cùng chung quan điểm trên, theo ông Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược ngân hàng thì dịch vụ tài chính ngân hàng có vài trò và trách nhiệm với cộng đồng xã hội trong việc kiểm soát và hướng mục đích qua dòng vốn và dịch vụ tài chính nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững.
Ông Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Quang Hưng) |
GIZ nhận định mô hình tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào các hoạt động phát thải carbon cao, gây ra những hệ lụy cho môi trường. Để tài trợ cho Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần ít nhất 30,7 tỷ USD đến năm 2020, tức 15% GDP của Việt Nam năm 2015 và 21,2 tỷ USD cho giai đoạn 2016 – 2020. |
Đánh giá về tiến trình thực hiện cải cách Khu vực Tài chính xanh tại Việt Nam, TS. Michael Krakowski, Giám đốc - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh đã chia sẻ với hội nghị những ghi nhận của thế giới đối với các nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong tiến trình hướng tới tăng trưởng xanh trong thời gian qua.
“Tôi hết sức ấn tượng là chúng ta đã có được những tiến bộ thành công như vậy trong thời gian qua và tôi cũng muốn nêu bật đến Chỉ thị của ngài Thống đốc NHNN Việt Nam về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xanh, quản lý các rủi ro về môi trường, về xã hội tại các TCTD hay danh mục các dự án xanh mà hiện nay đã được thực hiện thí điểm tại 23 ngân hàng cũng như những yêu cầu về báo cáo liên quan đến tín dụng xanh và các vấn đề về quản lý rủi ro môi trường, xã hội” - ông nói.
Đồng thời ông cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với NHNN Việt Nam để góp phần vào việc thực hiện thành công các chiến lược quốc gia về kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.