|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Việt Nam cần có quĩ đất để dành, không cho phát triển bất kì dự án BĐS nào!

00:31 | 03/06/2020
Chia sẻ
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, quốc gia cũng cần phải có cách để dành quỹ đất cho tương lai. Muốn như vậy phải có qui hoạch những nơi nhất định không cho phép phát triển BĐS, dù bất kì dự án nào.

Tham dự hội thảo bàn về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, các chuyên gia đã có phản biện khi đề cập đến quy định về phân lô bán nền được đưa ra trong dự thảo.

Theo dự thảo này, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện dự án phân lô bán nền.

Nêu quan điểm tại hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng không nên cấm hoàn toàn phân lô bán nền.

Theo vị chuyên gia này, không nên có tư tưởng có bao nhiêu đất thì phải xây dựng hết. Đặc biệt, một quốc gia đông dân như Việt Nam càng cần phải có quỹ đất để dành.

Việt Nam cần có quĩ đất để dành, không cho phát triển bất kì dự án BĐS nào! - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu bắt xây dựng hết thì quỹ đất không còn để dành.

“Nếu bắt xây dựng hết thì quỹ đất không còn để dành. Không chỉ tại các tỉnh thành phố mà ngay tại Hà Nội cũng nên quy hoạch rõ ràng vùng nào xây dựng ngay, vùng nào có thể phân lô bán nền, vùng nào để dành”, ông Nghĩa nói.

Theo vị chuyên gia này, nhà nước phải có quy hoạch rõ ràng, đâu là đất để dành, đâu phải xây ngay. Đâu là nguồn dự trữ đất cho phát triển của tương lai quốc gia. Dân chúng có cách để tích trữ đất, doanh nghiệp cũng có cách để dành cho quỹ đất cho phát triển lâu dài, thì quốc gia cũng phải có cách để dành quỹ đất cho tương lai.

“Muốn như vậy phải có quy hoạch những vùng nhất định không phép cho phép phát triển bất động sản, dù cho đó là bất kỳ dự án nào đi chăng nữa", ông Nghĩa đề xuất.

Bàn về việc phân lô bán nền - không quản được thì cấm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc một thành phố có đảm bảo được tiêu chuẩn đô thị phát triển bền vững hay không nằm ở quy hoạch.

Khi có quy hoạch tốt, vững chắc sẽ không thể xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái phép. Do đó, việc quản lý việc thực hiện các dự án phân lô, bán nền phải gắn với việc quản lý quy hoạch.

“Quy hoạch mỗi thành phố, mỗi đô thị, mỗi địa phương rất khác nhau, mức độ phát triển cũng khác nhau. Do đó, việc điều chỉnh chính sách như Dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tính đến đặc điểm, đặc thù và mức độ phát triển từng khu vực, địa phương để có chính sách hợp lý, phát huy được hiệu quả”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Trong khi đó, tham luận tại hội thảo, PGS. TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tại Việt Nam, nếu còn thị trường bất động sản thì vẫn còn phân lô bán nền.

Việt Nam cần có quĩ đất để dành, không cho phát triển bất kì dự án BĐS nào! - Ảnh 2.

Theo ông Trần Kim Chung, việc không cho phép phân lô bán nền tại một số khu vực thì được nhưng việc cấm một cách toàn diện như nội dung dự thảo sửa đổi thì bất ổn.

Trên thực tế, theo ông Chung, vừa qua tình trạng phân lô bán nền vẫn còn bất cập khi một vài “con sâu làm rầu nồi canh", phân lô bán nền tràn lan, trái phép, thậm chí có tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định, nguyên nhân chính của tình trạng này không xuất phát từ bản chất của hình thức phân lô bán nền mà là tư duy làm ăn không chính đáng của một bộ phận doanh nghiệp và năng lực quản lý của chính quyền các cấp.

Vì vậy theo ông Chung, để có thể có những ứng xử đúng đắn về phân lô bán nền, các bên có liên quan, rất cần có những nghiên cứu, chỉ đạo điều hành và thực thi một cách bài bản, dựa trên nền tảng thực chứng và xây dựng mới có thể đạt được những kết quả tốt đẹp, thị trường bất động sản mới có thể vượt qua những khó khăn.

“Việc không cho phép phân lô bán nền tại một số khu vực thì được nhưng việc cấm một cách toàn diện như nội dung dự thảo sửa đổi thì bất ổn. Trong bối cảnh kinh tế đang bước vào giai đoạn khó khăn như hiện nay thì cần cân nhắc kỹ lưỡng để đánh giá tác động cụ thể.

Việc mở rộng phạm vi khu vực không được phép thực hiện dự án phân lô bán nền theo dự thảo nghị định sẽ khiến nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Thậm chí, quỹ đất sẽ không được khai thác hết và cản trở quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19”, ông Chung nói.


Nguyễn Mạnh