|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam bán rẻ quặng cho Trung Quốc: Tương lai ảm đạm

16:16 | 21/05/2018
Chia sẻ
Theo GS.TSKH Phạm Phố, đáng lý ra, việc quản lý khoáng sản phải được giao cho đơn vị địa chất, như mỏ-luyện kim.
viet nam ban re quang cho trung quoc tuong lai am dam Vụ bán khoáng sản giá rẻ cho Trung Quốc: 'Ông lớn' TKV nói gì?
viet nam ban re quang cho trung quoc tuong lai am dam 80% quặng và khoáng sản được bán sang Trung Quốc với giá 'siêu rẻ'

Trong khi giá quặng và khoáng sản xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 988.000 đồng/tấn thì giá bán mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt mức 560.000 đồng/tấn.

Theo chuyên gia ngành luyện kim - GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, thực tế này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do khả năng xử lý quặng Việt Nam chưa tốt dẫn đến chất lượng thấp, giá thành bán không cao.

Thứ hai, doanh nghiệp chỉ muốn bán được nhiều và thu được tiền.

Thứ ba, dư luận từng nghi ngờ về việc bán quặng, khoáng sản giá rẻ cho Trung Quốc thì sẽ được phía Trung Quốc "lại quả". Trong hoạt động kinh tế, doanh nghiệp Trung Quốc thường sẵn sàng lại quả bằng tiền tươi. Bản thân người bán sẽ được một số tiền lớn không phải chịu thuế.

"Đó là chuyện bình thường và khá phổ biến dù xưa nay người ta không có bằng chứng", GS Phố nói.

Đặc biệt, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát tài nguyên, trong đó có khoáng sản của Việt Nam, theo GS Phố, là vấn đề tham nhũng.

"Nguy hiểm nhất là thói tham lam, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, thấy có tiền bỏ túi là tổ chức nhau thành nhóm khai thác và bán kiếm lời.

Tình trạng mạnh ai nấy khai thác khoáng sản cũng không phải là hiếm. Tôi được biết Cao Bằng có những mỏ quặng nhỏ, người ta đào rồi đem bán cho Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Hay Lai Châu có mỏ đồng và trước đây tôi đã đi khảo sát thì được biết một doanh nghiệp tư nhân đứng ra xin làm và được chấp thuận vì người ta cho rằng hàm lượng đồng ở mỏ đó thấp. Tuy nhiên, khi phát hiện hàm lượng đồng cao thì người ta giành lại, không có doanh nghiệp tư nhân kia làm nữa. Mỏ đó chỉ cách Trung Quốc một con mương, khai thác xong đưa qua biên giới dễ dàng, rất khó quản lý", GS Phố kể.

viet nam ban re quang cho trung quoc tuong lai am dam
Để chấm dứt tình trạng đào, xúc, hút tài nguyên đem bán giá rẻ, cần có sự kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước. Ảnh minh họa

Vị chuyên gia khẳng định, tiềm năng khoáng sản của Việt Nam rất lớn, nhưng khoáng sản không phải của trời cho, kể cả than, dầu khí, các loại quặng quý hiếm...

"Chẳng hạn, quặng sắt ở Việt Nam thực ra không phải là nhiều. Chỉ có mỏ Thạch Khê có trữ lượng lớn, còn các mỏ khác nhỏ. Nếu bây giờ cứ mạnh ai nấy bán, chẳng mấy chốc tài nguyên của nước ta sẽ bị kiệt quệ đi. Tương lai sẽ vô cùng ảm đạm khi chẳng còn gì cho con cháu nữa", GS.TSKH Phạm Phố cảnh báo.

Ông cũng chia sẻ với nỗi lo của nhiều chuyên gia trước chiến lược khai thác tài nguyên của nước khác đem về sử dụng và tích trữ nhằm giành vị trí thống lĩnh của Trung Quốc.

"Trung Quốc thu mua quặng của Việt Nam rẻ hơn là khai thác tại các mỏ của họ. Họ mua rồi đưa về sử dụng, dự trữ cũng không hề ế. Tài nguyên không phải là vô tận nên Trung Quốc có ý đồ muốn thống lĩnh, khai thác tài nguyên của các nước đem về dự trữ.

Đặc biệt, hiện nay Trung Quốc mở một chiến dịch lớn thu mua tài nguyên khoáng sản của châu Phi cũng với mục đích dự trữ nguồn nguyên liệu. Trung Quốc có tiền, có tiềm lực và nghĩ con đường xa hơn trong tương lai. Còn Việt Nam không có tiềm lực, lại bán đổ bán tháo, thu được đồng nào cứ thu", nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cảnh báo.

Bởi thế, ông khẳng định, Nhà nước phải có chính sách cụ thể, rõ ràng và kiên quyết đối với khoáng sản, nếu không sẽ bị cá nhân lợi dụng bán, thu lợi, chưa kể có lợi ích nhóm trong quản lý tài nguyên khoáng sản.

"Tôi cho rằng việc giao cho TKV - vốn xuất phát từ công ty than, quản lý khoáng sản - tài sản lớn của quốc gia là chưa hợp lý, trong khi lẽ ra phải giao cho đơn vị địa chất, tức mỏ và luyện kim.

Tài nguyên khoáng sản không phải của trời cho, muốn giao cho ai thì giao, khai thác kiểu gì cũng được.

Trước đây, Liên Xô giúp Việt Nam khai thác quặng thiếc ở Cao Bằng rất tốt, tinh luyện ra thiếc thành phẩm. Các loại khoáng sản khác của Việt Nam cũng đều phải làm như thế.

Phải nghĩ đến chuyện bán sản phẩm được chế biến từ quặng hay xuất quặng tinh, hạn chế và tiến tới cấm xuất thô vì xuất thô có giá rẻ mạt, thu không được bao nhiêu tiền, trong khi nếu xuất bằng sản phẩm thì giúp giải quyết công ăn việc làm, thu lãi rất cao.

Phải xây dựng các nhà máy, công nghệ chế biến, bảo quản, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đó là chính sách lâu dài mà Nhà nước phải đứng ra giải quyết.

Ở Việt Nam bấy lâu nay tồn tại tình trạng đầu tư không đúng hướng. Muốn nước mạnh thì phải đầu tư cơ khí, luyện kim - xương sống của nền kinh tế, nhưng chúng ta lại đi vào cái vụn vặt.

Từ những năm 1960, một đoàn tàu chở đầy hoa quả của Bulgari đưa sang Liên Xô mới đổi được chiếc máy kéo. Vì thế, sau này Bulgari đầu tư, sản xuất ra máy kéo, ô tô thì mới phát triển được, còn nếu chỉ tập trung vào "hoa hồng, hoa quả" thì khó có thể phát triển được", GS.TSKH Phạm Phố nhấn mạnh.

Thành Luân