Viện trưởng CIEM: Thanh toán không dùng tiền mặt để tránh 'tham nhũng vặt'
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Theo Nghị quyết 02 mà Chính phủ đã ban hành, trong năm 2019, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương,... đẩy mạnh việc thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thành phố cần chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Nội dung này yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu trước quý III/2019 Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch về bất động sản.
Các đơn vị như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn điện lực, trường học, bệnh viện,... cũng phải áp dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12/2019.
Hoan nghênh thanh toán điện tử
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế |
Nhận định về chính sách này, ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng:" Tôi rất hoan nghênh quyết định của Chính phủ. Từng bước một, chúng ta phải biến nền kinh tế tiêu dùng tiền mặt thành nền kinh tế không tiền mặt".
"Hiện tại, tỷ lệ dùng tiền mặt của Việt Nam còn rất cao, ngay cả so với các nước xung quanh trong khu vực ASEAN hay Trung Quốc. Điều này mang đến rất nhiều hậu quả đối với nền kinh tế như: Rửa tiền, tham nhũng,… bởi tiền mặt là phương tiện thanh toán không dấu vết. Vì vậy, nếu chúng ta muốn loại trừ những yếu tố phi pháp thì phải loại bỏ việc sử dụng tiền mặt", ông Hiếu cho hay.
Không dùng tiền mặt để giảm tham nhũng vặt
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng: "Chỉ khi thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt thì mới thực hiện được dịch vụ công cấp độ 4. Việc áp dụng thanh toán điện tử sẽ hạn chế tối đa cơ hội, khả năng tiếp xúc giữa người dân và công chức nhà nước có liên quan để thực hiện các dịch vụ hành chính công".
"Điều này sẽ thu hẹp tối đa dư địa mà công chức hành chính có liên quan cố tình gây phiền hà, sách nhiễu, tạo ra khó khăn không đáng có để tư lợi và tham nhũng vặt. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ loại bỏ được tình trạng tham nhũng vặt vô cùng phổ biến hiện nay", ông Cung nhận định..
"Ngoài ra, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo sự tiện lợi cho người dân khi tiếp cận dịch vụ thanh toán qua ngân hàng", ông Cung cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ lo ngại: "Nếu cuối năm 2019 phải chuẩn bị để đầu năm 2020 áp dụng toàn bộ việc thanh toán không tiền mặt vào hệ thống bệnh viện trường học thì sẽ rất khó khăn bởi những khu vực vùng sâu vùng xa vẫn còn chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Vậy nên, Chính phủ cần có một lộ trình dài hơn thay vì áp dụng vào năm 2019".