Thanh toán không dùng tiền mặt theo 5T
Ảnh minh họa Thành Hoa. |
1. “Truyền thông” là giải pháp quan trọng đầu tiên để định hướng dư luận về lợi ích của TTKDTM, xem đó là lựa chọn an toàn, tối ưu, tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình mà cho cả xã hội. Trong đó cần nhấn mạnh vai trò của hoạt động truyền thông giáo dục là cơ bản nhất, góp phần trang bị những kiến thức kỹ năng tài chính vi mô ngay từ lúc còn đi học.
Đến khi trưởng thành, mỗi người đều tự biết cân nhắc và lựa chọn những giải pháp tài chính cá nhân một cách hiệu quả. Hiện nay vấn nạn “tín dụng đen” đang lan tràn trong xã hội, mà một trong những nguyên nhân là do thiếu giải pháp truyền thông bài bản nhằm nâng cao nhận thức, năng lực ứng xử, tự bảo vệ của mỗi công dân khi phải đối diện và xử lý các vấn đề tài chính có liên quan.
2. “Tiện lợi” (tiện ích/lợi ích) trong giao dịch TTKDTM phải thể hiện tính vượt trội so với giao dịch tiền mặt. Đây là tiền đề quan trọng nhất khuyến khích người dân từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán giao dịch. Các công nghệ hiện nay cho phép hệ thống ngân hàng thực hiện những dịch vụ thanh toán chuyển khoản đa dạng, có độ bao phủ rộng, an toàn, nhanh chóng, hiệu quả đối với mọi khách hàng. Từ những giao dịch chi tiêu mang tính ổn định thường xuyên như thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ/điện/ nước/viễn thông/truyền hình/ học phí/xăng xe... cho đến những giao dịch không thường xuyên như viện phí/du lịch/nộp thuế, phí...
Hầu như tất cả những gì có liên quan đến giao dịch tài chính (cá nhân/gia đình/ doanh nghiệp/trong và ngoài nước...) đều có thể xử lý nhanh gọn “mọi nơi, mọi lúc”, chỉ cần khách hàng có mở tài khoản thanh toán và được ngân hàng chấp thuận cung ứng các sản phẩm dịch vụ tùy theo yêu cầu.
3. “Thỏa thuận” là nguyên tắc nền tảng giữa hai bên (ngân hàng/khách hàng) khi thực hiện hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, là cơ sở để đánh giá chất lượng dịch vụ cũng như chi phí mà khách hàng phải trả cho việc sử dụng dịch vụ đó. Về nguyên tắc, để khuyến khích TTKDTM, ngân hàng sẽ có chính sách thu phí cao nhằm hạn chế giao dịch tiền mặt, ưu tiên giảm/miễn phí cho những giao dịch chuyển khoản. Pháp luật cần tôn trọng và khuyến khích nguyên tắc thỏa thuận này giữa khách hàng và ngân hàng thương mại.
4. “Tuân thủ” pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng TTKDTM. Trước hết, cần nghiêm túc áp dụng quy định TTKDTM đối với các loại hình giao dịch có liên quan đến (1) tài sản công/ dịch vụ công, (2) tài sản có giá trị lớn, thuộc diện phải quản lý tài sản và thu nhập (bất động sản/chứng khoán/ô tô...), (3) các giao dịch ngoại hối.
Gần đây, có ý kiến cho rằng những giao dịch bất động sản nếu buộc phải thanh toán qua ngân hàng thì sẽ vướng quy định tự do thỏa thuận trong giao dịch dân sự, điều này theo người viết là không thỏa đáng. Bởi theo tinh thần Luật Dân sự, Nhà nước bảo đảm tôn trọng quyền giao dịch bất động sản hợp pháp của người dân, trong khi thủ tục thanh toán qua ngân hàng lại là một yêu cầu pháp lý bắt buộc để phục vụ công tác quản lý nhà nước và thực hiện chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, có lợi cho toàn xã hội. Hai nội dung này hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với nhau.
Tuân thủ pháp luật về TTKDTM cũng không có nghĩa là triệt tiêu toàn bộ các nhu cầu sử dụng tiền mặt mang tính tiêu dùng nhỏ lẻ, phổ biến, thường xuyên, hàng ngày của người dân. Cần phải chấp nhận đây là thực tế khách quan, chính đáng và hợp lý.
5. “Thẩm thấu” phi tiền mặt, là bước nhảy vọt của hành vi thanh toán, theo đó người sử dụng dịch vụ trở nên “dị ứng” với tiền mặt. Tiền mặt cũng không còn là “hành trang” bất ly thân của mọi người, mà thay vào đó là các phương tiện thanh toán điện tử thông dụng với nhiều tiện ích. Một số nước trên thế giới đang bắt đầu hiện thực hóa kỷ nguyên “phi tiền mặt” với tỷ lệ TTKDTM đang dần tiệm cận ở mức 100%, trước hết là Thụy Điển, tiếp theo có thể là Na Uy, Đan Mạch, Anh…