|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu của Vietcombank có thể kéo dài sang tháng 6/2022

10:00 | 19/11/2020
Chia sẻ
VCSC cho rằng mức NIM thấp của Vietcombank trong năm 2020 sẽ được cải thiện hơn trong năm 2021, đồng thời việc phát hành riêng lẻ thêm hơn 300 triệu cổ phiếu để tăng vốn của ngân hàng có thể sẽ chậm hơn dự kiến.
Việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu của Vietcombank có thể kéo dài sang tháng 6/2022 - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam. (Ảnh: Vietcombank).

Theo báo cáo phân tích cập nhật mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã thực hiện điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận của Vietcombank 0,3% trong giai đoạn 2020-2025. Nguyên nhân chủ yếu là dự kiến thu nhập lãi ròng và biên lãi ròng (NIM) ở mức thấp hơn trung bình, lần lượt ở các mức 3%, 3,19%, 3,5% vào các năm từ 2020 - 2022.

VCSC lí giải NIM của Vietcombank giảm do các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020. Lãi suất cho vay đầu gia giảm trong khi chi phí vốn vay vẫn ở mức cao. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch COVID-19, VCSC dự báo NIM của ngân hàng sẽ dần phục hồi trong năm 2021 khi lợi suất có thể phục hồi do đáo hạn phần lớn mức giảm lãi suất thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2020.

Ngoài ra, mức giảm thêm 0,2 - 0,6 điểm % trong lãi suất huy động tiền gửi trên 1 tháng từ tháng 8 đến tháng 11/2020 sẽ tiếp tục tác động tích cực đến NIM vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021. 

Trong khi đó, mức tăng trưởng tín dụng trung bình mà VCSC kì vọng Vietcombank sẽ đạt được trong giai đoạn 2020 - 2025 là 13,1%.

Theo dự phóng của VCSC, khoảng 60% các khoản vay tái cơ cấu sẽ được giữ nhóm nợ và tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ giữ ở mức 1,18% trong năm 2020 và  xuống còn 1,35% từ 1,45% trong năm 2021.

Một số chỉ tiêu dự báo của VCSC

Việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu của Vietcombank có thể kéo dài sang tháng 6/2022 - Ảnh 2.

Nguồn: VCSC.

Đáng chú ý, công ty chứng khoán này dự kiến việc thực hiện phát hành 337,5 triệu cổ phiếu công khai hoặc riêng lẻ để tăng vốn sẽ chưa sớm thực hiện, có thể kéo dài sang tới tháng 6/2022.

Trước đó, khi Nghị định 121 ra đời là tin vui cho các "ông lớn" khi đã tạo cơ sở pháp lí, giúp VietinBank, Vietcombank, BIDV có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, việc đã được Chính phủ phê duyệt về chủ trương.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020 - 2021 bao gồm hai cấu phần. 

Thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu để  trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 18%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT.

Cấu phần thứ hai là phát hành riêng lẻ tối đa 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán. 

Diệp Bình

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.