|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Việc ngừng cung cấp khí đốt Nga tại Ukraine tác động đến nguồn cung của Đức

00:10 | 13/05/2022
Chia sẻ
Dữ liệu chính thức cho thấy việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga qua một điểm trung chuyển quan trọng ở miền Đông Ukraine ngày 11/5 đã ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của Đức, vốn đã giảm 25%.

 Một đoạn đường ống của Gazprom. (Ảnh: Getty Images).

Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng Nga-Ukraine có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với châu Âu, nơi vốn đang phải "vật lộn" với giá năng lượng tăng cao và đang cố gắng tìm kiếm các nguồn thay thế cho khí đốt của Nga.

Cuối ngày 10/5, Kiev cho biết sẽ tạm ngừng các dòng khí đốt của Nga qua trung tâm phía đông Sokhranivka lúc 04 giờ 00 GMT ngày 11/5 lý do nhà máy này không còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev cho biết Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung cấp chỉ vài phút trước đó.

Các số liệu công bố ngày 11/5 cho thấy dòng chảy khí đốt qua Sokhranivka, điểm trung chuyển của một phần ba nguồn cung khí đốt của Nga tới châu Âu, đã giảm xuống 0.

Berlin cho biết việc giảm trung chuyển khí đốt đồng nghĩa với việc lượng khí đốt chảy đến Đức đã "giảm 25%" so với ngày 10/5, nhưng khẳng định sự thiếu hụt này đang được bù đắp bởi dòng chảy từ Na Uy và Hà Lan, và nguồn cung năng lượng của nước này đã được đảm bảo.

Sự cố gián đoạn khí đốt tại Sokhranivka là sự cố nghiêm trọng đầu tiên đối với việc cung cấp năng lượng của Moskva cho châu Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2.

Trong một lưu ý, các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết việc dừng hoạt động tại Sokhranivka "làm tăng quan điểm rằng châu Âu sẽ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu khí đốt trong năm tới"

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 11/5, Svitlana Zalishchuk, cố vấn hàng đầu của công ty dầu khí quốc gia Ukraine Naftogaz, cho biết khối lượng khí đốt thông qua điểm kết nối Sudzha đã tăng 15%, nhưng cảnh báo rằng nó "không đủ" để bù đắp cho việc ngừng cung cấp tại Sokhranivka.

Bộ Kinh tế Đức cho biết Bộ này đang theo dõi sát sao tình hình, nhưng khẳng định an ninh năng lượng của nước này "tiếp tục được đảm bảo". Về phần mình, điện Kremlin khẳng định Nga "luôn hoàn thành một cách đáng tin cậy và các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.

Ukraine là một tuyến đường cung cấp khí đốt chính của Nga cho châu Âu và hai bên vẫn tiếp tục duy trì dòng chảy kể cả sau khi Nga tiến hành chiến dịch tại Ukraine hôm 24/2.

 

Liên minh châu Âu đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nhưng khối này vẫn tránh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các dòng khí đốt quan trọng.

Minh Hằng