|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việc giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng ra sao tới Techcombank?

21:10 | 22/07/2021
Chia sẻ
Lãnh đạo Techcombank cho rằng chiến lược tối ưu chi phí huy động và tăng thu ngoài lãi giúp ngân hàng giảm thiểu ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất cho vay.
Việc giảm lãi suất cho vay có thể ảnh hưởng tới Techcombank ra sao? - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam. (Ảnh: TCB).

Techcombank là một trong 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chủ trương của Techcombank là ưu tiên giảm lãi suất cho vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Với khách hàng cũ, ngân hàng có thể giảm lãi suất tối đã 1,5%/năm; với khác hàng mới giảm tối đa 1%/năm.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến các nhà đầu tư quan tâm việc giảm lãi suất có ảnh hưởng tới mục tiêu kinh doanh năm 2021 hay không. 

Việc giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng ra sao tới Techcombank? - Ảnh 2.

Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank. (Ảnh chụp màn hình livestream).

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2021, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank, chia sẻ rằng việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tới phần thu nhập lãi của ngân hàng

Tuy nhiên, ông cho biết trong chiến lược của Techcombank có những điểm có thể giảm thiểu ảnh hưởng này.

Thứ nhất, Techcombank không tập trung vào tăng lãi suất cho vay mà tập trung vào giảm lãi suất huy động bằng cách tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tỷ lệ CASA của Techcombank tính đến cuối quý II là 42,7%, nằm trong nhóm cao nhất hệ thống.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tối ưu hóa các nguồn tiền huy động khác nhau, ngoài huy động của khách hàng còn có thể vay của nước ngoài nhằm tối ưu chi phí huy động.

Ông Hà cho hay trong năm 2020, Techcombank đã vay được 500 triệu USD vốn nước ngoài. Trong năm nay, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện vay nguồn vốn ngoại thời hạn từ 3 đến 5 năm với lãi suất rất rẻ, có thể thấp hơn lãi suất huy động dân cư kỳ hạn 1 - 3 tháng.

"Việc Techcombank thực hiện chiến lược này giúp ngân hàng có dư địa để giảm lãi suất cho khác hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới biên lãi ròng (NIM), qua đó ảnh hưởng tới thu nhập lãi", ông Hà nói

Thứ hai, Techcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao hàng đầu trong ngành. 

"Việc giảm thu từ lãi, nhưng tăng được thu nhập ngoài lãi cũng giúp ngân hàng giảm thiểu ảnh hưởng từ việc hỗ trợ lãi suất. Do đó, Techcombank chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu kết quả kinh doanh trong năm nay", ông Hà khẳng định.

Việc giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng ra sao tới Techcombank? - Ảnh 3.

Nguồn: Techcombank

Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Hà cũng chia sẻ về ảnh hưởng của Thông tư 03 tới việc trích lập dự phòng năm 2021 của Techcombank. 

Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng không phải chuyển nhóm nợ sang nợ xấu, tuy nhiên phải trích lập dự phòng như chưa tái cơ cấu. Theo đó, các tổ chức tín dụng được phân bổ phần trích lập trong 3 năm.

Ông Hà cho biết ngay khi đại dịch bắt đầu, Techcombank đã chủ động trích lập dự phòng, xóa nợ xấu và chuẩn bị các bước đệm. Đến quý II vừa qua, ngân hàng đã tiếp tục trích thêm vào quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 259%, nằm trong top cao nhất hệ thống.

Việc giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng ra sao tới Techcombank? - Ảnh 5.

Nguồn: Techcombank.

Đối với làn sóng đại dịch COVID-10 lần 4 tiếp tục diễn biến phức tạp, Techcombank đã lập ra các kịch bản khác nhau. Với kịch bản xấu đó là phải hết năm 2022, Việt Nam mới dập được dịch, 70% dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin, nền kinh tế mở cửa. Còn với kịch bản lạc quan hơn, Việt nam sẽ dập được dịch trong nửa đầu năm sau.

Tuy nhiên, kể cả với kịch bản xấu, giám đốc cấp cao của Techcombank cho rằng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu cũng không có ảnh hưởng lớn tới kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng.

Lê Huy