Vì sao với hơn 3.200 km đường bờ biển nhưng vẫn phải nhập khẩu muối?
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017 đối với trứng gà, trứng vịt, ngan... là 50.051 tá; đối với muối là 102.000 tấn.
Trong nhiều năm, câu chuyện về nhập khẩu muối vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Vì sao muối do nông dân trong nước làm ra thì thừa mà các công ty tiêu thụ muối lại vẫn không đủ phục vụ cho sản xuất?
Theo Bộ Công Thương, muối thừa hàng năm là loại muối ăn, trong khi đó loại muối các công ty cần cho sản xuất lại là muối công nghiệp với yêu cầu chất lượng cao hơn nhiều.
Điều này được Ông Vũ Bội Tuyền, một chuyên gia làm việc nhiều năm trong ngành muối cho hay, cả hai phương pháp làm muối trong nước hiện nay đều chỉ cho ra loại muối có hàm lượng NaCl 80% (đối với phương pháp phơi cát ở miền Bắc) và 96-97% (với phương pháp phơi nước ở miền Trung và Nam) và thường lẫn nhiều tạp chất không tan.
Hàm lượng NaCl này thấp hơn so với yêu cầu tiêu chuẩn của muối công nghiệp là 98%. Ngoài ra, do điều kiện canh tác, muối sản xuất trong nước là muối kết tinh ngắn ngày nên thường không đảm bảo yêu cầu về độ khô và độ cứng.
Làm thế nào để nâng cao chất lượng muối thủ công sản xuất trong nước, từ đó biến lượng muối tồn kho hàng trăm nghìn tấn có thể phục vụ cho nhu cầu sản xuất? Những hỗ trợ cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Đó là câu hỏi mà các cơ quan chức năng, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành phải đi tìm lời giải thích đáng.
Vì với lợi thế hơn 3200km đường biển nhưng vẫn phải nhập khẩu muối, đó như là một câu chuyện buồn của người Việt đã tồn tại từ rất nhiều năm nay.