Vì sao Trung Quốc chưa thể trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam dù vị trí gần?
Trung Quốc có tới 1.000 nhà máy chế biến tôm thẻ chân trắng
Trong bối cảnh lạm phát và chi phí vận tải tăng cao, bên cạnh những sức ép cạnh tranh từ tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ và hàng tồn kho của các khách hàng vẫn còn lớn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam như Minh Phú, Sao Ta giảm dần hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản (VASEP) xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 7 giảm tới 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong tháng 6, xuất khẩu sang thị trường này cũng ghi nhận đợt giảm mạnh tới 36%.
Nhiều người kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ điểm đến của tôm Việt Nam bởi thị trường có vị trí địa lý gần. Kèm theo đó, Trung Quốc cũng đang dần mở cửa trở lại sau thời gian dài theo đuổi chính sách Zero COVID.
Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Theo đó, sau khi ghi nhận tăng trưởng mạnh những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm 17% đạt 38 triệu USD. Đồng thời, đây là tháng thứ hai giảm liên tiếp.
Với 38 triệu USD, Trung Quốc chiếm 10% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tôm sang các thị trường trong tháng 7, đứng thứ 4 sau Mỹ, EU và Nhật Bản.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển nhưng các quy định về nhập khẩu vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Trên thị trường Trung Quốc, các nhà cung cấp tôm của Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với các nhà cung cấp từ Ecuador.
Ecuador đang có chiến lược đẩy mạnh xuất hàng sang Trung Quốc để bù đắp cho lượng xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm.
Việt Nam vốn có lợi thế về xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chế biến với tỷ trọng lên tới 74% trong số các loại tôm xuất khẩu.Thế nhưng, theo một số doanh nghiệp trong ngành, hiện tại Trung Quốc gần như có thể tự chủ nguồn cung tôm thẻ chân trắng chế biến, do đó việc xuất khẩu mặt hàng này rất khó khăn.
Trao đổi với người viết, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), cho biết nhiều năm trước đây, Việt Nam nhập khẩu tôm nguyên liệu giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ về chế biến sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, kèm theo đó, một số thị trường lớn áp thuế chống bán phá giá với tôm Ân Độ, Ecuador; Việt Nam không còn nhập khẩu tôm về chế biến mà tăng cường nuôi trong nước để đáp bảo quy tắc xuất sứ.
Khi Việt Nam từ bỏ việc nhập khẩu tôm giá rẻ và tự nuôi để chế biến, chi phí và giá bán cũng cao hơn.
“Việt Nam buông bỏ, thì Trung Quốc lại “nhảy” vào lĩnh vực này. Hiện họ có hơn 1.000 nhà máy chế biến tôm và chỉ cần phục vụ thị trường tỷ dân nội địa cũng đủ có lời. Do đó, họ nhập khẩu tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ về chế mà không cần phải quan tâm đến quy tắc xuất xứ. Vì vậy, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam rất khó cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường này”, ông Lực chia sẻ.
Với Việt Nam, Trung Quốc có nhu cầu lớn với tôm sú nguyên con vì người tiêu dùng thích tôm cỡ lớn, đặc biệt là giới thượng lưu. Loại tôm này chủ yếu được nuôi quảng canh (nuôi dài ngày 6 - 9 tháng) và chỉ có vùng Cà Mau, Bạc Liêu mới có.
“Tuy nhiên, lượng lớn các giao dịch theo hình thức tiểu ngạch. Do đó các doanh nghiệp lớn như Minh Phú không dám làm vì rủi ro thanh toán. Chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ hơn xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc”, ông Lực nói thêm.
Chuyên trang thuỷ sản Seafood Source (Mỹ), hồi tháng 8 dẫn lời ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng một số hạn chế liên quan đến COVID-19, thị trường này vẫn tụt hạng trong bảng xếp hạng doanh số bán hàng theo quốc gia của Minh Phú.
Xuất khẩu của Minh Phú sang Trung Quốc giảm từ đầu năm đến nay do các quy định nghiêm ngặt yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng hàng hóa nhập khẩu để ngăn chặn sự bùng phát COVID-19.
“Điều này đã làm tăng chi phí và gây ra sự chậm trễ trong giao hàng,” ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết Minh Phú hiện không thể đáp ứng nhu cầu từ một số khách hàng Trung Quốc, những người muốn mua tôm giá rẻ từ Việt Nam và vận chuyển qua đường vận chuyển xuyên biên giới, vốn thường được các công ty nhỏ ưa thích hơn.
Thay vì Trung Quốc, doanh nghiệp lựa chọn Nhật Bản
Thay vì Trung Quốc, các doanh nghiệp lựa chọn Nhật Bản, Hàn Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vì thị trường ưa thích các sản phẩm chế biến tỉ mỉ - thế mạnh của Việt Nam mà Ecuador và Ấn Độ vẫn chưa thể làm được. Bên cạnh đó, cước tàu sang thị trường này cũng "dễ thở" hơn so với Mỹ và EU vì vị trí địa lý gần.
Số liệu của VASEP cho thấy xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 7 vẫn tăng trưởng khá ổn định 5% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái
"Cước tàu tới Nhật Bản và Hàn Quốc không cao như tới các nước phương Tây, lạm phát tại các nước này cũng chưa phải là vấn đề quá căng thẳng. Đây được coi là các yếu tố giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định trong xuất khẩu tôm sang các thị trường này", VASEP nhận định.
Theo trang Seafood Source, doanh thu từ Mỹ, trong luỹ kế 7 tháng đầu năm giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021 xuống khoảng 64 triệu USD. Trong khi đó, doanh thu tại thị trường Nhật Bản tăng 23% lên 94 triệu USD, vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Minh Phú.
“Mặc dù tỷ giá Yên/VND giảm 16% nhưng tính ra bán hàng ở Nhật Bản lợi thế hơn do cước tàu rẻ, chỉ 4.000 - 5.000 USD/container. Điều này không làm tăng giá bán “ảo” bởi cước tàu cũng phải cộng vào chi phí giá bán. Điều này bù đắp phần nào việc đồng Yên Nhật mất giá. Ngoài ra, chúng tôi có lợi thế về sản phẩm chế biến tỉ mỉ, do đó, Nhật Bản chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong số các thị trường của Sao Ta 2 năm nay”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm tiêu thụ do kinh tế khó khăn. Do đó, Sao Ta đang phải giảm giá bán khoảng 2% để duy trì thị trường này.
“Chúng tôi có cơ sở để giảm giá bán vì năm nay nuôi tôm được mùa, nhờ đó giá thành sản xuất cũng bớt đi một chút”, ông Lực nó.