|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao TPP 11 chưa tìm được tiếng nói chung?

19:25 | 10/11/2017
Chia sẻ
11 thành viên TPP đang nỗ lực cứu vãn hiệp định thương mại tự do đa phương này sau nhiều ngày đàm phán bên lề APEC tại Việt Nam. Trong khi Australia đang lạc quan về triển vọng của TPP, Canada cho biết nước này muốn một thỏa thuận chất lượng chứ không phải một thỏa thuận chớp nhoáng.
hiep dinh tpp 11 thanh vien van chua tim duoc tieng noi chung
Cuộc họp Cấp Bộ trưởng TPP bên lề APEC tại Đà Nẵng. Nguồn: Na Son Nguyen/Reuters.

Các bộ trưởng thương mại nhóm họp bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dự kiến sẽ đưa ra đề xuất về tương lai của TPP lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên vào chiều thứ Sáu (10/11). Sau phiên họp sáng cùng ngày, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy các bên đã hoặc sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao phủ 40% kinh tế toàn cầu, rơi vào khủng hoảng sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này. Các cuộc thảo luận bên lề APEC tại Việt Nam xoay quanh việc có nên loại bỏ một số điều khoản để đẩy nhanh tốc độ đàm phán hay không.

“Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng 24 – 48 giờ tới. Chúng tôi vẫn chưa đạt được thỏa thuận, vẫn còn một số việc phải làm nhưng chúng tôi đang ghi nhận những bước tiến vững chắc”, Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo hôm 9/11 cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị CEO APEC, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết các bộ trưởng thương mại đã đạt được những bước tiến đáng kể và ông “khá tự tin” về kết quả đàm phán.

“Cuộc họp muộn hôm qua kéo dài từ đêm đến 3 giờ sáng và chúng tôi sắp đạt được tuyên bố chung. Tất nhiên vẫn còn một số việc phải làm, quá trình phê chuẩn và các vấn đề khác cần được giải quyết. Nhưng ít ra chúng tôi đã nỗ lực để cứu vãn hiệp định thương mại tự do này”, ông Razak cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne, trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/11, cho biết các bên không nên ưu tiên tốc độ đàm phán hơn chất lượng đàm phán.

hiep dinh tpp 11 thanh vien van chua tim duoc tieng noi chung
Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne. Nguồn: SeongJoon Cho/Bloomberg.

‘Những cuộc thảo luận khó khăn’

“Chúng tôi ngồi quanh bàn đàm phán, đóng góp ý kiến mang tính xây dựng, nảy ra nhiều giải pháp mới nhưng thú thật là chúng tôi đang gặp một số khó khăn. Canada muốn một thỏa thuận chất lượng hơn là một thỏa thuận chớp nhoáng. Điều chúng tôi đang làm là thiết lập các điều khoản thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho hàng chục năm tới”, ông Champagne cho biết.

Trả lời phỏng vấn báo giới vào ngày 10/11 tại Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết vẫn còn một số chi tiết cần được các bên thống nhất và vẫn chưa tìm được tiếng nói chung của Mexico và Việt Nam. Một quan chức cho biết đoàn đàm phán Việt Nam đã rời cuộc họp đêm thứ Năm (9/11) sau khi xảy ra bất đồng với một đoàn khác.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết các bộ trưởng đã thống nhất về việc nhanh chóng hiện thực hóa TPP. “Tôi nhận được một báo cáo rằng các bộ trưởng thương mại đang thay đổi những chi tiết cuối cùng trước khi đề xuất lên các nhà lãnh đạo để xác nhận một thỏa thuận về mặt nguyên tắc”, ông Suga nói với phóng viên.

TPP từng được xem là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và châu Á dưới thời Tổng thống Obama và là một đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Ash Carter cho biết TPP mang tính quan trọng chiến lược hơn cả một đội tàu sân bay tại Thái Bình Dương.

‘Thay đổi thước đo’

Khác với các hiệp định thương mại thông thường, TPP còn mở rộng sang các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và quyền lao động. Ông Champagne cho biết người dân Canada kỳ vọng bất kỳ thỏa thuận nào cũng nên mang đến lợi ích cho tầng lớp trung lưu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào thương mại toàn cầu.

Ông Ciobo cho biết việc Mỹ rút khỏi TPP đã “thay đổi thước đo” của một số quốc gia thành viên.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 7/11, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cho biết nước này đã thay đổi quan điểm ban đầu rằng quyết định rút khỏi TPP của Mỹ đồng nghĩa với việc hiệp định cần phải đàm phán lại từ đầu.

“Chúng tôi đã trao đổi với nhiều đồng nghiệp về một số điều khoản có thể phải loại bỏ. Việc đàm phán lại từ đầu sẽ mất rất nhiều thời gian. Tất cả chúng tôi đều thống nhất rằng việc đàm phán từ đầu có thể kéo dài 5 – 10 năm, vì thế chuyện đó sẽ không xảy ra. Đó không phải một lựa chọn”, ông Mustapa cho biết.

hiep dinh tpp 11 thanh vien van chua tim duoc tieng noi chung Canada có thể rút khỏi TPP

Cuộc đàm phán về TPP hoãn lần thứ hai trong ngày 10/11 sau khi gặp vướng mắc từ một thành viên là Canada.

Trường Giang