Vì sao TP.HCM kiến nghị giảm quy mô ‘dự án tỉ đô’ ở Thủ Thiêm?
TP HCM kiến nghị phê duyệt ranh giới khu 4,3ha ở Thủ Thiêm |
Nhà thờ Thủ Thiêm hiện hữu nằm ở vùng lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sát trung tâm Q.1, chỉ cách con sông Sài Gòn. ẢNH: ĐỘC LẬP |
Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Thường trực Ban bí thư, Quốc hội vào hôm nay (12.1), có một nội dung kiến nghị của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong rất đáng chú ý đó là kiến nghị giảm quy mô diện tích, tổng mức đầu tư dự án “Khu phức hợp thông minh” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).
Ông Nguyễn Thành Phong đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Khu phức hợp thông minh” tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô giảm từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỉ USD giảm còn 6 lô đất, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD.
Đồng thời đề xuất cho rút gọn thành phần nhà đầu tư tham gia dự án từ 7 nhà đầu tư xuống còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.
Về lý do, ông Nguyễn Thành Phong cho hay do các lô còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng, trong đó có mặt bằng nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá (quy mô diện tích hiện hữu khoảng 4 ha - PV).
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vào năm 2015, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án lựa chọn (theo hình thức chỉ định) nhà đầu tư thực hiện dự án tại khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và sớm hình thành khu trung tâm tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ tại Thủ Thiêm.
Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được phê duyệt, khu chức năng 2a thuộc khu lõi trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích đất khoảng 16,71 ha; trong đó diện tích đất phát triển dự án khoảng 12,55 ha bao gồm 12 lô đất được quy hoạch xây dựng các cao ốc để hình thành trung tâm tài chính - ngân hàng quốc tế, khách sạn, thương mại, dịch vụ, dân cư đa chức năng và công trình giáo dục.
Về lý do xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án lựa chọn nhà đầu tư (liên danh gồm 4 công ty con của Tập đoàn Lotte và 3 công ty Nhật Bản) thực hiện dự án theo quy định của luật Đấu thầu, UBND TP.HCM cho biết đây là khu vực khó kêu gọi đầu tư và cho đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai đầu tư xây dựng tại đây. Một số nhà đầu tư quan tâm thì luôn đề nghị thay đổi, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt tại khu vực này.
Riêng chỉ có Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã đăng ký tham gia thực hiện dự án tại Thủ Thiêm từ năm 2009 sau chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Tập đoàn Lotte đã tiến hành nghiên cứu và triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; trong đó đặc biệt đối với các dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Lotte đã kiên trì theo đuổi và thể hiện sự quyết tâm đầu tư trong suốt một thời gian dài.
UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận cho Tập đoàn Lotte được tự bỏ chi phí để thực hiện nghiên cứu dự án xây dựng khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại khu chức năng 2a, trong đó xác định tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 2 tỉ USD.
Trong khu chức năng 2a hiện tại chưa có đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật được xây dựng theo quy hoạch.
Thời điểm tháng 5.2015, nhân chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của lãnh đạo TP.HCM, Tập đoàn Lotte đã gặp gỡ và trao đổi với Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải về nỗ lực và quyết tâm đầu tư vào dự án. Hai bên cũng đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ về việc đầu tư.
Vùng lõi Thủ Thiêm theo bản đồ quy hoạch. Các ô ký hiệu số dự kiến là khu vực xây dựng dự án Khu phức hợp thông minh. ẢNH: T.N |
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đối với các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất, đồng thời giao cho các Bộ ngành cùng với TP.HCM khẩn trương tổ chức thực hiện có kết quả. Riêng với những đề xuất có tính chất đặc thù mà quy định pháp luật chưa quy định đầy đủ, TP.HCM cần xây dựng đề án, tờ trình cụ thể để trình Trung ương, Chính phủ xem xét, quyết định để triển khai.
Đối với vấn đề Thủ Thiêm, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM tiếp tục nỗ lực giải quyết rốt ráo, có kết quả, sớm kết thúc việc này để dành công sức lo các công việc khác. "Những vấn đề chưa có sự đồng thuận, cần tích cực đối thoại để tìm lối ra, đưa qũy đạo của TP.HCM vào phát triển mạnh mẽ", Thủ tướng kết luận.
Xem thêm |