|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao tiền ngoại trở lại nhiều thị trường ASEAN nhưng chưa vào Việt Nam?

15:45 | 09/09/2024
Chia sẻ
Một số thị trường chứng khoán trong khối ASEAN đảo chiều thu hút dòng tiền ngoại giai đoạn gần đây như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Trong đó, Indonesia là điểm sáng khi được mua vào gần 2,5 tỷ USD kể từ đầu quý III.

Dòng tiền ngoại đảo chiều trong khu vực ASEAN ngoại trừ Việt Nam

Theo dữ liệu thống kê từ Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhà đầu tư ngoại có xu hướng vào ròng trở lại trên thị trường chứng khoán Thái Lan với quy mô mua tuần đầu tháng 9 là 460,1 triệu USD, vượt trội hai thị trường khác là Indonesia (211 triệu USD) và Malaysia (169,2 triệu USD). Khối ngoại cũng giải ngân nhẹ trên thị trường chứng khoán Philippines, chênh lệch hai đầu mua bán là 22,2 triệu USD.

So với các thị trường khác trong khu vực, Indonesia là điểm sáng nhất khi hút vốn ngoại hơn 2,4 tỷ USD kể từ đầu quý III. Việc nhà đầu tư nước ngoài quay đầu giải ngân trên xứ vạn đảo giúp dòng tiền ngoại đảo chiều sau khi bị rút ra hàng tỷ USD trong nửa đầu năm. Tính đến ngày 6/9, giá trị vào ròng kể từ đầu năm trên thị trường này là hơn 2 tỷ USD.

Tương tự, dòng tiền ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Malaysia trong quý III với hơn 1,03 tỷ USD (tính đến ngày 6/9), giúp thay đổi trạng thái kể từ đầu năm từ rút sang mua vào gần 866 triệu USD.

Ghi nhận tại thị trường chứng khoán Philippines, giá trị mua từ đầu tháng 7 gần 226 triệu USD, thu hẹp quy mô rút vốn từ đầu năm xuống còn gần 302 triệu USD.

Trên thị trường chứng khoán Thái Lan, như vừa đề cập trên, khối ngoại đã ngắt chuỗi tháng bán ròng và mạnh tay giải ngân. Song đây vẫn là thị trường vẫn bị rút vốn lớn nhất kể từ đầu năm với quy mô gần 3 tỷ USD.

 Diễn biến dòng vốn tại các thị trường. Nguồn: VPBankS tổng hợp.

Ở trạng thái kém tích cực hơn, chứng khoán Việt Nam vẫn chưa chứng kiến sự đảo ngược xu hướng dòng tiền ngoại. Không còn duy trì trạng thái bán áp đảo như trong giai đoạn trước, những phiên mua ròng đã xuất hiện dày hơn nhưng chưa đủ để bẻ ngược xu hướng.

Nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng nhẹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng trên HOSE tính đến ngày 8/9. Tổng giá trị rút ròng kể từ đầu năm vượt qua mức kỷ lục ghi nhận trong năm 2021, 2,2 tỷ USD bị rút khỏi sàn HOSE.

Diễn biến cho thấy dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngược pha với xu hướng luân chuyển từ nhóm thị trường phát triển (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) sang các thị trường mới nổi, đơn cử trong khu vực ASEAN như vừa đề cập.

Tín hiệu dòng tiền đảo lớp trên thị trường vốn quốc tế đã bắt đầu từ tháng trước đó. Trong tháng 8, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển đã giảm mạnh từ 83 tỷ USD tháng 7 xuống còn 25,4 tỷ USD. Mức chênh lệch với nhóm thị trường đang phát triển đã bị thu hẹp đáng kể khi giá trị mua ròng ở nhóm thị trường này đạt hơn 15,3 tỷ USD trong tháng qua.

Theo SSI Research, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường phát triển do đồng USD suy yếu. Lý do khác khiến dòng tiền luân chuyển đến từ việc khối ngoại tìm kiếm cơ hội trên thị trường có định giá hấp dẫn hơn.

Ngoài hai lý do trên, việc dòng vốn đảo nghịch còn xuất phát từ yếu tố nội tại ở các thị trường phát triển. Trong tuần vừa qua (2 – 6/9), dòng vốn rút ra mạnh ở các thị trường phát triển khu vực châu Á như Đài Loan (4 tỷ USD), Hàn Quốc (1,6 tỷ USD), Nhật Bản (5,6 tỷ USD) khi ba thị trường này biến động lớn theo hướng tiêu cực.

 Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. Ảnh chụp màn hình.

Khi nào dòng tiền trở lại Việt Nam?

Bình luận về diễn biến trên, trong chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng do VTV và VPBankS, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường của VPBankS cho rằng nhiễu động ở các thị trường khiến dòng tiền bị rút đi rất nhanh, ngoại trừ một số thị trường khu vực châu Á có thể hút vốn.

Riêng với thị trường Thái Lan, ông Sơn lý giải đây là động thái diễn ra sau giai đoạn bán tháo của SET-Index.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối mặt với áp lực rút quỹ từ cả hai sản phẩm cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

Thống kê trong tuần đầu tháng 9, quỹ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam rút quỹ khoảng 9 triệu USD, áp đảo so với mức huy động 2 triệu USD từ DCVFMVN Mid Cap ETF và 1,6 triệu USD từ DCVFMVN Diamond ETF. Kết quả là chứng khoán Việt Nam bị rút 13 tuần liên tiếp thông qua ETF. Tính từ đầu năm, dòng vốn rút qua ETF đạt gần 760 triệu USD.

Dự báo trong giai đoạn tới, việc đồng USD tiếp tục yếu đi cộng với trạng thái biến động mạnh ở các thị trường phát triển có thể khiến dòng tiền tiếp tục đổ mạnh sang thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Một thông tin khác được quan tâm, trong thời gian tới là Thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay sẽ được ban hành (kỳ vọng trong tháng 9) và sớm được triển khai trong qIV. Đây là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9 năm 2025.

Theo SSI Research, đây sẽ là một giải pháp giúp các quỹ đầu tư nước ngoài có thể xem xét giải ngân trở lại thị trường Việt Nam, bên cạnh việc luân chuyển dòng tiền đầu tư sang thị trường mới nổi trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt.

Hoàng Linh

Dự thảo: NĐT chứng khoán chuyên nghiệp phải có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm, giao dịch tối thiểu 10 lần trong 4 quý
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính xây dựng, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp được nâng cao.