|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng gấp đôi trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 5%?

14:53 | 13/08/2023
Chia sẻ
Nhờ không còn phải trích lập lãi dự thu, tỷ suất lợi nhuận biên (NIM) của Sacombank trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 1,69 điểm % so với cùng kỳ, góp phần đẩy thu nhập lãi thuần tăng cao. Ngân hàng dự kiến sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu dự kiến trong nửa đầu năm 2024.

Trong quý II và cả trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) là ngân hàng duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về thu nhập lãi thuần với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Thu nhập lãi thuần của Sacombank đã tăng 121% trong quý II và tăng gần 117% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng trưởng 5,5%, nhỉnh hơn so với mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế (4,73%).

Theo diễn giải của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng trưởng cao so với cùng kỳ do tín dụng của ngân hàng đã tăng trưởng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận biên (NIM) của ngân hàng tăng 169 điểm cơ bản (tương đương 1,69 điểm %) so với cùng kỳ nhờ không còn phải trích lập lãi dự thu.

Chi tiết thu nhập từ lãi và phí phí lãi của Sacombank. (Nguồn: BCTC Sacombank).

Sacombank cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp SME. Tín dụng của Sacombank đến hoàn toàn từ việc cho vay khách hàng, Sacombank hiện chưa đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Mức tăng trưởng tín dụng này là tương đối chậm so với các năm trước.

Nguyên nhân của tín dụng Sacombank tăng trưởng chậm được các chuyên gia của BVSC đưa ra chủ yếu đến từ các yếu tố mang tính vĩ mô như: (1) thị trường BĐS suy giảm sâu; (2) tăng trưởng kinh tế chậm lại; (3) lãi suất ở mặt bằng cao; và (4) nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam suy giảm tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, BVSC cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng của thị trường chung cũng như của Sacombank có thể tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 khi nền kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi cũng như lãi suất đã giảm về mặt bằng thấp hơn nhiều.

BVSC ước tính tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt khoảng 11-12% trong năm 2023. Huy động của Sacombank đạt mức 10,4%, là mức tăng trưởng tương đối cao so với tăng trưởng tín dụng. Điều này đã kéo chỉ số LDR thuần (cho vay khách hàng và huy động trên tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) xuống còn 86,8%.

Đây là mức tương đối thấp so với các ngân hàng khác và điều này cũng tác động không tích cực lên NIM của Sacombank. Sacombank có thể sẽ giảm lại tốc độ huy động để tối ưu NIM trong nửa cuối năm 2023.

Lãi suất huy động của Sacombank tập trung phần lớn ở các kỳ hạn ngắn với 61% huy động cuối quý II có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm. Sacombank cũng cho biết trong giai đoạn lãi suất cao, phần lớn các khoản huy động của Sacombank ở kỳ hạn 3-6 tháng. Vì vậy, tốc độ thay đổi chi phí vốn của Sacombank khá nhanh.

Trong khi đó, các hợp đồng vay vốn trung và dài hạn có thời gian thay đổi lãi suất 3 tháng một lần nên có độ trễ so với sự thay đổi của lãi suất đầu vào

Các chuyên gia cũng dự báo NIM của Sacombank có thể phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2023,  ước tính đạt mức 4,01% trong năm 2023, tăng 84 điểm so với năm 2022.

 

Chất lượng tài sản toàn ngành nói chung cũng như Sacombank nói riêng đang có sự suy giảm. Tuy nhiên, BVSC cho rằng thời điểm suy giảm chất lượng tài sản mạnh nhất đã qua. Nợ xấu đâu đó có thể tăng thêm một chút nữa nhưng sẽ không còn tăng mạnh nữa.

Nguyên nhân là việc cho phéptái cơ cấu các khoản vay theoThông tư 02, lãi suất đang có xu hướng giảm sâu và chuyển về mặt bằng thấp hơn đáng kể và kỳ vọng nền kinh tế phục hồi từ nửa cuối năm 2023. 

Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm dần qua từ năm, từ mức 6,81% năm 2016 về 0,98% cuối năm 2022. Cùng với đó là 95% khoản vay đều có tài sản đảm bảo với giá trị tài sản đảm bảo đủ bao phủ khoản nợ dẫn tới mức trích lập cần thiết cho Sacombank là khá thấp.

Về bộ đệm rủi ro, nếu loại bỏ phần trích lập dự phòng cho VAMC thì chi phí dự phòng tín dụng cho các khoản cho vay khách hàng của Sacombank khá là thấp, theo BVSC đây là đặc trưng của những ngân hàng có tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân và SME lớn cũng như quản trị chất lượng tài sản tốt.

"Năm 2024, sau khi Sacombank đã trích lập xong trái phiếu VAMC thì mức trích lập dự phòng có thể giảm nhiều tạo ra dư địa tăng trưởng lợi nhuận", chuyên gia BVSC dự báo.

 

Sacombank hiện có khoản 10.000 tỷ nợ gốc của ông Trầm Bê được thế chấp bằng 32,5% cổ phiếu STB đã bán cho VAMC và nhận về trái phiếu VAMC. Ngân hàng dự kiến sẽ trích lập đủ 100% cho những trái phiếu này và dự kiến sẽ xử lý xong khoản nợ này trong nửa đầu năm 2024.

Sacombank cho biết để xử lý lô cổ phiếu này sẽ cần trình lên Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, ngân hàng chưa chia sẻ phương án xử lý cụ thể lô cổ phiếu này như thế nào.

Đối với Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá nhưng sẽ không hạ giá thấp hơn lần đấu giá gần đây nhất là 7.934 tỷ đồng.

Diệp Bình