Tuần 7 – 11/8: Khối ngoại chi hơn nghìn tỷ đồng gom một cổ phiếu ngân hàng
Tiếp tục khởi đầu tuần 7 – 11/8 bằng một phiên tăng điểm, VN-Index nhanh chóng hướng đến mốc 1.150. Khi chạm vùng 1.145 – 1.150, nhà đầu tư đã thực hiện chốt lời đẩy chỉ số giảm điểm 2 phiên liên tiếp và đã về khá gần mốc 1.210. Lực cầu đã xuất hiện khi VN-Index chạm 1.213 giúp chỉ số cân bằng và hồi phục mạnh mẽ trong phiên cuối tuần.
Chốt tuần tại 1.232,21, VN-Index đã tăng 6,23 điểm, tương đương 0,51% và kéo dài chuỗi tăng điểm lên 6 tuần, đánh dấu chuỗi tăng theo tuần dài nhất từ tháng 8/2022.
Thống kê cho thấy trong tuần qua, VIC tiếp tục là đầu kéo bền bỉ cho chỉ số trong tuần, cổ phiếu đã tăng 16,7% trong tuần giúp VN-Index tăng 10,43 điểm. STB cũng có diễn biến ấn tượng với mức tăng 10% trong tuần giúp VN-Index tăng 1,45 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có 5/10 đại diện trong Top 10 ảnh hưởng tích cực lên chỉ số, gồm CTG, SSB, LPB, VCB. Ngoài VIC, nhóm bất động sản còn 2 đại diện khác là VRE (tăng 7,1%, đóng góp 1,24 điểm) và NVL (tăng 5,6% giúp VN-Index có thêm 0,56 điểm).
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Trong tuần VN-Index nỗ lực duy trì đà tăng, NĐT nước ngoài bán ròng 692 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 503 tỷ đồng. Trong đó, khối này bán mạnh nhất các mã SSI với giá trị 276,4 tỷ đồng, GMD giá trị 246,7 tỷ đồng và VRE giá trị 148,1 tỷ đồng.
Chiều mua ròng, HPG được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 293 tỷ đồng. Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), biên lợi nhuận gộp cả năm của Tập đoàn Hòa Phát được dự báo sẽ cải thiện nhờ giá nguyên liệu đầu vào là than cốc và quặng sắt đã giảm đáng kể do nhu cầu thấp hơn dự kiến; HPG đã tiêu thụ hết hàng tồn kho giá cao. Cuối quý II/2023, hàng tồn kho của doanh nghiệp là hơn 32 nghìn tỷ đồng và là mức tồn kho thấp nhất cuối quý kể từ quý II/2021.
Cũng theo nhóm phân tích, nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ tăng trong giai đoạn 2023 - 2024 nhờ Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giúp cải thiện doanh thu cho HPG. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2023, mức giải ngân thực tế đã đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% và thực hiện 41,3% kế hoạch cả năm.
Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025, nâng công suất thép thô của Hòa Phát lên thành hơn 14 triệu tấn/năm giúp HPG tối ưu hoá công suất.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại đảo chiều bán ròng gần 49 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 58,2 tỷ đồng gom cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội. Bên cạnh đó, danh mục rót ròng có sự góp mặt của IDC (11,8 tỷ đồng), PVS (10,3 tỷ đồng), VNR (4,2 tỷ đồng) và BVS (2,4 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 47,7 tỷ đồng ở cổ phiếu TNG, theo sau là 43,9 tỷ đồng mã CEO. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như DTD, NVB, PTI, ... với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM, khối ngoại đảo chiều mua ròng đột biến hơn 990 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương dẫn đầu với quy mô hơn 1.127,6 tỷ đồng. Trong đó riêng phiên 8/8 ghi nhận lượng mua ròng thoả thuận 44 triệu cổ phiếu SGB tương ứng giá trị gần 872 tỷ đồng.
Kế tiếp NĐT nước ngoài cũng bán ròng 22,1 tỷ đồng mã MPC và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như MCH (5,6 tỷ đồng), VTP (2,8 tỷ đồng) và QTP (2,4 tỷ đồng).
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất hơn 97,2 tỷ đồng ở cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu QNS (39,4 tỷ đồng), VGT (7,3 tỷ đồng), OIL (6,7 tỷ đồng), LTG (6,5 tỷ đồng), …