|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm sâu phiên 24/5?

17:00 | 24/05/2024
Chia sẻ
Theo nhà phân tích, hiện các yếu tố rủi ro có thể tác động trọng yếu đến thị trường chứng khoán là áp lực tỷ giá và lãi suất. Việc rung lắc tại vùng đỉnh cũ là bình thường. Quán tính giảm điểm của VN-Index có thể tạm thời chưa kết thúc, ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.240 – 1.250 điểm.

Lý do khiến thị trường giảm sâu phiên 24/5

Sau phiên tăng điểm trước đó (23/5), lực bán xuất hiện rõ nét từ phiên chiều 24/5, khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Càng về cuối phiên, mức độ và sự lan tỏa đà giảm có xu hướng gia tăng. VN-Index kết phiên cuối tuần giảm 19 điểm (giảm 1,49%) về 1.261 điểm. VN30-Index giảm đến hơn 21 điểm về 1.283 điểm (giảm 1,63%).

Về thanh khoản, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,6 tỷ đơn vị, tương đương tổng giá trị đạt gần 40.200 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 35.530 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC đánh giá, về bên ngoài, chứng khoán thế giới đồng pha điều chỉnh sau thông tin vĩ mô cho thấy nền kinh tế Mỹ “khỏe” hơn kỳ vọng và có thể Fed chưa sớm cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải thích hợp lý cho đường đi của giá. Đây là cú rung lắc của thị trường quanh vùng đỉnh và chưa có thêm động lực. Thị trường thế giới cũng cần hạ độ cao để tích lũy. Tổng quan thị trường chưa có gì quá xấu, ông Huy đưa quan điểm.

Về trong nước cũng tương tự khi thị trường áp sát vùng đỉnh cũ. Chưa xét đến yếu tố tin tức, việc rung lắc quanh vùng đỉnh cũ là bình thường. Thông tin trong nước có thể tác động đến thị trường hiện vẫn xoay quanh áp lực tỷ giá và môi trường lãi suất đang có xu hướng tăng dần.

Trong khi đó, động thái bán ròng của khối ngoại trước những diễn biến về tỷ giá cũng là một trong những nguyên nhân góp phần vào đà bán. Ông Huy cho rằng những câu chuyện trên là không mới và chỉ là hợp thức hóa việc rung lắc quanh vùng đỉnh.

Như đã đề cập ở trên, ông Bùi Văn Huy cho biết có những áp lực nhất định từ thị trường lên tỷ giá và lãi suất trong nước. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện mới, và những áp lực không quá lớn trong ngắn hạn. Do đó, mặt bối cảnh thị trường là không quá nguy hiểm.

Thị trường, đại diện là VN-Index, đã tăng một mạch hơn 100 điểm từ đáy và việc điều chỉnh 3 - 5% là điều bình thường. Hiện hỗ trợ gần nhất của chỉ số là vùng 1.250 điểm. Trường hợp cơ sở, thị trường sẽ tích lũy vùng 1.250 - 1.290 (đỉnh cũ) và cân bằng trước khi có động lực tăng tiếp. Hỗ trợ mạnh hơn trong tình huống xấu là quanh 1.220 điểm.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến 24/5. (Biểu đồ: TradingView).

Ông Nghiêm Sỹ Tiến, Chuyên viên Cao cấp Chiến lược đầu tư của KBSV, nhận thấy VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức giảm điểm và thanh khoản lớn nhất trong 1 tháng trở lại đây, bỏ ngỏ xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn đã kết thúc.

Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số đã hồi phục tương đối dốc, gần 10% kể từ vùng đáy quanh ngưỡng 1.165 điểm và đã tiếp cận trở lại vùng đỉnh ngắn hạn trong tháng 3/2024, thậm chí nhóm cổ phiếu VN30 đã chớm vượt đỉnh.

Do vậy, vận động rung lắc, điều chỉnh nhiều khả năng sẽ sớm xảy ra. Quan sát kỹ hơn nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt trong nhịp hồi phục vừa rồi như FPT, MSN, MWG, TCB đã có những tín hiệu suy yếu, chịu áp lực bán lớn trong phiên ngày hôm nay, từ đó tạo sức ép tiêu cực lên toàn bộ thị trường.

Ngoài ra, dòng tiền FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) vận động chủ yếu giữa nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap trong tuần qua. Đây là dòng tiền dễ bị tổn thương nhất khi thị trường điều chỉnh bởi tính chất đầu cơ và hay sử dụng đi kèm đòn bẩy ký quỹ (margin).

Do đó, sau nhiều lần kiểm định thất bại quanh ngưỡng 1.28x ở những phiên gần đây, thị trường lập tức xuất hiện áp lực bán lớn và dồn dập như phiên 24/5.

Dưới góc độ kỹ thuật, quán tính giảm điểm tạm thời chưa kết thúc. Tuy nhiên theo quan điểm của ông Tiến, chỉ số sẽ có cơ hội hồi phục trở lại tại ngưỡng hỗ trợ gần tại 1.24x điểm, hoặc xa hơn tại quanh 1.220 (+-5 điểm).

Tìm kiếm thời điểm phù hợp để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Có nhiều góc nhìn khác nhau về thanh khoản trong phiên 24/5, nhưng theo ông Huy là tích cực. Thị trường hiện tại khá sôi động và dồi dào tiền. Do đó, dòng tiền có thể lan tỏa đến các nhóm cổ phiếu khác nhau, miễn là đoán đúng sóng ngành có thể tìm kiếm lợi nhuận.

Khía cạnh kỹ thuật cho thấy phiên 24/5 có sự bình tĩnh và chủ động hơn rất nhiều. Theo đó, nhà phân tích từ Chứng khoán DSC vẫn đánh giá thị trường hiện tại nhiều cơ hội với dòng tiền dồi dào.

Sau phiên điều chỉnh với thanh khoản lớn, việc quan sát là cần thiết nhưng không cần quá bi quan. Hiện tại nhà đầu tư vẫn có thể giữ 50% danh mục là cổ phiếu. Khi thị trường cân bằng trở lại, hoàn toàn có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Dòng tiền “khỏe” nên nhà đầu tư chỉ cần linh hoạt luân chuyển nhóm ngành là có thể tìm kiếm lợi nhuận.

Góc nhìn của ông Nghiêm Sỹ Tiến, đối với các nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cao cổ phiếu, có thể canh bán hạ tỷ trọng và cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục kỹ thuật sớm trong phiên, và hạ tỷ lệ margin về các ngưỡng an toàn.

Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt nhiều, vị thế hiện tại đang tương đối có lợi và không nên vội vàng giải ngân, chỉ nên trải lệnh giải ngân với tỷ trọng nhỏ trading khi chỉ số lùi về ngưỡng hỗ trợ gần tại 1.24x điểm, hoặc xa hơn tại quanh 1.220 (+-5 điểm).

Nhà phân tích từ KBSV khuyến nghị ưu tiên vào nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản và câu chuyện kỳ vọng rõ ràng như bất động sản khu công nghiệp, thép, vận tải và cảng biển.

Xuân Nghĩa