|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao phụ nữ ít mắc virus Corona hơn nam giới?

11:30 | 09/02/2020
Chia sẻ
Thống kê đến thời điểm hiện tại ở Trung Quốc tỷ lệ nhiễm virus Corona ở nữ giới thấp hơn nam giới và tỷ lệ tử vong cũng tương tự.
Vì sao phụ nữ ít mắc virus Corona hơn nam giới? - Ảnh 1.

Tỷ lệ nam giới mắc corona cao hơn nữ.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 06 giờ 00, ngày 8/02/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới đã có 34.376, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 34.048 và 719 người tử vong.

Phụ nữ ít bị nhiễm nCoV hơn nam

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – sống tại Úc cho biết qua các báo cáo của cơ quan y tế Trung Quốc, ông chỉ phân tích dựa trên số người tử vong, thì xu hướng hiện khá rõ đó là 2/3 số ca tử vong là nam giới; 80% các ca tử vong là trên 60 tuổi; 3/4 các ca tử vong đã mắc những bệnh như tim mạch, tiểu đường, và một số bệnh ung thư.

Một phân tích chi tiết về các yếu tố liên quan đến tử vong của 17 ca bị nhiễm lúc ban đầu (tất cả đều là cư dân Vũ Hán) cho thấy đa số là nam giới (13/17), tuổi trung bình: 75 (range: 48-89), thời gian từ lúc triệu chứng biểu hiện đến khi tử vong trung bình là 14 ngày.

Hơn nữa, nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm bác sỹ và nhà khoa học Trung Quốc trên 99 bệnh nhân mắc viêm phổi do virus corona đang được điều trị tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở thành phố Vũ Hán - tâm điểm của đợt bùng phát, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet (Tạp chí y khoa lâu đời tại Mỹ), cho biết tỷ lệ nữ giới mắc corona chỉ chiếm 32%, trong khi nam giới là 68%. Sự chênh lệch giới tính này cũng tương đồng với các quan sát trước đó trong đại dịch MERS-cov và SARS-cov (2 đại dịch cũng gây ra bởi virus corona nhưng chủng khác).

Lý giải tình trạng này, nhóm nghiên cứu cho biết “Do phụ nữ có nhiễm sắc thể X và hormon giới tính (nội tiết tố nữ) ảnh hưởng đến miễn dịch bẩm sinh và thích nghi” .

Hàng rào nội tiết tố

Theo nghiên cứu bởi nhóm nhà khoa học do Bà Sabra L. Klein - Tiến sĩ, Phó Giáo sư tại Khoa Vi sinh Phân tử và Miễn dịch học Trường Bloomberg dẫn đầu chỉ ra rằng, bổ sung nội tiết tố nữ làm chậm lại sự nhân lên của virus cúm trong tế bào ở nữ giới, nhưng lại không có tác dụng đối với nam giới. Bà cũng cho biết, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nội tiết tố nữ estrogen có thể cản trở sự nhân lên của virus bao gồm HIV, Ebola và viêm gan, có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và khiến nhiễm trùng ít lây sang người khác.

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi nhóm nhà khoa học Ý tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu và Khoa thấp khớp, Đại học Genova, cũng chỉ ra rằng nội tiết tố nữ estrogen có tác dụng tăng cường miễn dịch và hormone này cũng được coi là chất tăng cường tăng sinh tế bào và đáp ứng miễn dịch cơ thể.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết: “Nội tiết tố estrogen là hormone quan trọng, quyết định giới tính, sắc đẹp, sức khỏe và sinh lý nữ. Không chỉ giúp duy trì vẻ ngoài trẻ trung, nữ tính, giúp phụ nữ đảm nhận thiên chức làm mẹ, estrogen còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng.

Các công trình nghiên cứu lớn nhỏ trên thế giới đều chứng minh: nội tiết tố nữ estrogen có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, giúp phụ nữ hạn chế được ảnh hưởng của virus.

Các dữ liệu này chỉ ra rằng, nội tiết tố nữ thực sự giúp cho phụ nữ có sức đề kháng và khả năng miễn dịch cao hơn so với nam giới. Nam giới cũng có nội tiết tố nam nhưng rất tiếc là hormone này lại ko giúp tăng đề kháng như nữ giới.

Các nhà khoa học cũng lý giải điều này là để đảm bảo sinh tồn cân bằng giữa hai giới. Nếu như nội tiết tố nam giúp nam giới có sức mạnh cơ bắp, sức khỏe sinh lý cao hơn nữ giới, thì nội tiết tố nữ lại giúp phụ nữ duy trì khả năng đề kháng và miễn dịch cao hơn nam giới, để chống chọi với bệnh tật, duy trì chức năng sinh sản và chăm sóc con cái.”

GS Lâm khuyến cáo phụ nữ có thể nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trong mùa đại dịch corona bằng cách xây dựng hàng rào nội tiết tố cho mình. Nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch là cách phòng bệnh tốt nhất.

K.Chi