|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao những cuộc nói chuyện về tiền bạc đều bắt đầu một cách khó khăn?

09:59 | 21/08/2019
Chia sẻ
Trải qua hàng thế kỉ, tiền bạc hay tài chính vẫn là một trong những chủ đề nhạy cảm và khó nói với con người, có lẽ chỉ xếp sau tình dục và tình yêu.

Tiền có vẻ cũng chỉ là một vật ngang giá chung hay một phát minh của nhân loại vốn được tạo ra để giúp con người giao dịch hàng hóa, dịch vụ cũng như xác định giá trị của những thứ khác.

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng tiền không chỉ đơn giản như vậy, phải không? Theo MoneyMag, nó có ý nghĩa vượt trên mọi lĩnh vực và thâu tóm mọi yếu tố của đời sống. Khi chúng ta lớn lên, tình trạng tài chính của gia đình dường như quyết định chúng ta là ai cũng như xác định tầng lớp của bản thân là "thượng lưu" hay "trung lưu".

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, tình trạng tài chính hiện nay thậm chí đã trở thành cách chúng ta đánh giá trí thông minh, mức độ đáng tin cậy, vẻ đẹp, sự thành đạt và bản chất của một con người.

Vì vậy, tiền không chỉ được sử dụng để định giá hàng hóa mà còn được chúng ta sử dụng để đánh giá người khác và chính bản thân mình.

Lối định giá này kích thích tính tò mò và một tâm lí bầy đàn rất bản năng. Chúng ta có xu hướng gần gũi, tin tưởng và gắn bó hơn với những người có cùng điều kiện tài chính dù tính toán theo lí trí đôi khi lại mong muốn khác biệt.

Khi chúng ta muốn được ai đó yêu mến và tôn trọng, chúng ta sẽ tự động dự đoán tình trạng tài chính của họ và cố gắng tạo mối liên kết cũng như nét tương đồng về chi tiêu và tiết kiệm.

talk-about-money

Vì sao con người lại e ngại khi trao đổi về tiền bạc? - Ảnh: Moneymag.

Cùng với đó, mất đi tiền bạc có thể đồng nghĩa với việc đánh mất địa vị, bạn bè, sự tôn trọng, gia đình và thậm chí cả danh tính của chúng ta.

Bộ não của con người vốn được sinh ra với đặc tính tự xoa dịu nỗi đau mất mát nên khi có tình huống xấu xảy ra, chúng ta thường tự tạo ra một phiên bản khác của chính mình theo tình trạng tài chính mong muốn thay vì nhìn nhận tình hình tài chính thực tế của bản thân một cách công bằng.

Đặc điểm này thúc đẩy chúng ta mua những chiếc xe sang trọng, nghỉ lại những khách sạn 5 sao đắt đỏ, mua quần áo và đồ trang sức hàng hiệu và lâm vào cảnh nợ nần.

Trên hết, chúng ta không bao giờ thực sự thoải mái khi tiết lộ về tình hình tài chính của mình với bất ai, dù đó là chuyên viên phòng thuế, kế toán cá nhân hay người thân gia đình.

Tiền bạc giờ đây đại diện cho những giá trị sâu sắc, gắn bó chặt chẽ với giá trị bản thân của một người từ trong tiềm thức và việc phơi bày mọi thứ khiến chúng ta cảm thấy dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Nhưng chúng ta càng gắn bó với thứ giá trị ảo ấy, chúng ta mất đi càng nhiều. Điều này thực sự điên rồ và căn bệnh rối loạn tâm tài chính này dường như đã trở thành một dịch bệnh xã hội ngày nay.

Chúng ta sợ hãi phải trò chuyện về tài chính cá nhân và tiền bạc với những người thân yêu nhưng đây chính xác là những gì chúng ta nên làm. Tình yêu thương đôi khi cần phải trải qua những khoảnh khắc khó khăn như vậy.

Nếu bạn cũng đang mắc triệu chứng tương tự, hẳn bạn đang tự hỏi làm thế nào để chúng ta thoát khỏi căn bệnh tâm lí tài chính này? Hãy dũng cảm chấp nhận bản thân và nói về tình hình tài chính thực sự của mình.

Trao đổi một cách cởi mở và trung thực sẽ giải phóng áp lực từ những yếu tố tài chính đã kiểm soát bạn lâu nay và giúp bạn lấy lại quyền kiểm soát bản thân. Bạn có thể quyết định mình là ai thay vì để những đồng tiền làm việc đó.

Tất nhiên, tình hình tài chính mang tính cá nhân sâu sắc nhưng chia sẻ điều này với những người bạn yêu thương sẽ tạo ra nguồn kết nối mạnh mẽ hơn thay vì ghét bỏ như bạn tưởng tượng. Giữ lại nỗi lo lắng và u uất chỉ khiến bạn đưa ra những quyết định tài chính tồi tệ.

Giờ thì bạn đã hiểu lợi ích của việc nói chuyện cởi mở về tiền bạc nhưng nếu người bạn yêu thương đang mắc sai lầm tài chính thì sao? Làm thế nào để bạn có thể trao đổi với họ mà không khiến họ cảm thấy lo lắng, bị xúc phạm hay làm tổn thương mối quan hệ của hai người?

May mắn thay, dường như bộ não của chúng ta có một lộ trình xử thông tin cho phép chúng ta nói về những vấn đề phức tạp theo hướng cảm xúc.

Một cách dễ hiểu, não bộ con người có những "người gác cổng cảm xúc" sẽ tiếp nhận thông tin ban đầu theo hướng cảm tính trước khi chuyển tiếp sang giai đoạn của lí tính. Hãy đi tiếp cận theo phương pháp này và bạn sẽ đạt được mục đích mong muốn.

1. Bắt đầu với câu hỏi "Tại sao?"

Đầu tiên, hãy nêu lí do của cuộc trò chuyện. Tại sao buổi trao đổi lại quan trọng? Tại sao bạn muốn nói về nó? Tình hình tài chính đang ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ như thế nào?

Điều này giúp hai bạn đủ điều kiện cảm xúc để nghiêm túc bắt đầu trò chuyện, xây dựng lòng can đảm và sự tin tưởng vào đối phương cũng như mục đích tốt đẹp của việc tâm sự.

2. Thể hiện rõ ràng những cảm xúc mơ hồ

Dễ bị tổn thương, sợ hãi, lo lắng, thất vọng,... có vô số cảm xúc đáng hổ thẹn khi chúng ta nói về tiền bạc nhưng một khi bạn sẵn sàng đối mặt với chúng và nói ra bằng lời, khả năng thao túng cảm xúc về tiền bạc sẽ thay đổi.

Vì vậy, nhiệm vụ của một trong hai người là khơi gợi những cảm xúc chân thật nhất của đối phương thông qua lối trò chuyện hài hước hoặc thân mật trước khi tiếp tục tiến xa hơn. 

3. Tập trung vào các thành tựu

Hãy xác định thành tựu tài chính hai bạn từng đạt được trong quá khứ hay hình ảnh tỉ phú hai bạn đều mơ ước và phân tích những lựa chọn tài chính tồi tệ hiện tại đang ngăn cản mục tiêu như thế nào. 

Giải pháp này sẽ chuyển cuộc trò chuyện từ yếu tố cá nhân sang những khát vọng tươi sáng và tương lai tốt đẹp. Hãy nói về tiền với tư cách là người chiến thắng thay vì phàn nàn và chỉ trích.

4. Hãy thực tế

Bước cuối cùng chính là hành động thực tế. Những điều nhỏ bạn có thể làm ngay bây giờ để khiến mọi thứ tốt hơn là gì?

Tập trung vào 1 - 2 thay đổi nhỏ dễ dàng đạt được và xây dựng chúng thành thói quen để cải thiện toàn bộ cuộc sống cũng như con người bạn.

Thu Phương